PGS, TS Mai Duy Tốn (Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị nhồi máu não cấp.
Nhằm thống nhất trong xử trí đột quỵ ở giai đoạn cấp (nhất là trong những giờ đầu), ngày 23-8, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong cấp cứu và chăm sóc người bệnh đột quỵ với chủ đề “Nâng cao chất lượng can thiệp cấp cứu và chăm sóc đột quỵ”. Đông đảo bác sĩ đang công tác tại khoa cấp cứu, thần kinh các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh… tham dự hội thảo.
Việc xử trí kịp thời cho người bệnh đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, năng lực chuyên môn của những thầy thuốc lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh.
Theo GS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, đột quỵ là cấp cứu y tế khẩn cấp với hai mục tiêu chính là hạn chế hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn tổn thương sau đột quỵ. Điều trị đột quỵ phải đạt được mục tiêu hạn chế tàn tật mà không tăng tỷ lệ tử vong theo phương châm phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, điều trị tích cực, toàn diện và dự phòng là cơ bản.
Đột quỵ não thường xảy ra ở người trung niên và cao tuổi. Trong đó, từ 80 đến 90% do thiếu máu, tắc mạch não dẫn đến liệt, rối loạn cảm giác, mất ngôn ngữ, suy trí nhớ, hôn mê hoặc tử vong.
Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bị đột quỵ. Có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguyên nhân gia tăng đột quỵ được cho là do mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, nhưng lối sống thay đổi theo hướng giảm vận động, tuổi thọ tăng khiến bệnh lý này gia tăng.
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng hai sau ung thư trên toàn thế giới, đứng hàng đầu về tàn tật ở người trưởng thành, là thảm họa cho bệnh nhân và gia đình người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho toàn xã hội. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, gần 28% số ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 65 tuổi.
Những năm qua, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đi đầu triển khai thành công các kỹ thuật cao điều trị bệnh nhân đột quỵ não cấp bằng phương pháp sử dụng thuốc tiêu huyết khối, lấy huyết khối và dẫn lưu não thất. Đến nay kỹ thuật này cũng đã được chuyển giao cho hàng trăm bác sĩ của nhiều bệnh viện trong cả nước. Nhờ đó rất nhiều người bị đột quỵ đã được cứu sống hoặc không để lại những di chứng.
Điều trị tiêu huyết khối hiện nay được triển khai rộng rãi ở các tuyến, cho tất cả các lứa tuổi (người trên 80 tuổi cũng có thể xem xét điều trị loại thuốc này). Nó là phương pháp hiệu quả nhất ở các tuyến, khi mà các cơ sở y tế chưa có điều kiện để sử dụng các can thiệp nội mạch lấy huyết khối.
Theo PGS, TS Mai Duy Tốn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ xảy ra đột ngột. Khi bị đột quỵ, người bệnh thường có các dấu hiệu như: đột ngột mất thị lực, không nhìn thấy một hoặc hai mắt; nói khó, méo miệng... không thể nói được; tê bì, giảm vận động một bên nửa cơ thể; đau đầu dữ dội (chưa bao giờ gặp phải).
Cách đơn giản để nhận biết đột quỵ là yêu cầu người bệnh thực hiện: nói (xem có lưu loát, bất thường); quan sát khóe miệng người bệnh (xem có bị xệ) và yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên (tay bên nào không giữ được rơi xuống trước, điều đó là bất thường). Khi có cả ba dấu hiệu này, nguy cơ người bệnh bị đột quỵ là hơn 95%, cần được đưa ngay đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ.
Theo MINH HOÀNG/nhandan.com.vn