Cập nhật: 25/08/2017 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất hấp dẫn.

Sau những tên tuổi lớn của nước ngoài như 7-Eleven, Shop&Go, Circle…, vào cuối năm nay thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đón thêm “tân binh” GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn của Hàn Quốc. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng cũng gây sức ép không nhỏ đến các hãng bán lẻ trong nước.

Sức hấp dẫn của những “tân binh”

Chưa phải cái tên đình đám ở Việt Nam nhưng tại Hàn Quốc, GS25 là một trong những thương hiệu cửa hàng tiện lợi được yêu thích nhất. Ngoài năng lực đầu tư, chuỗi cửa hàng tiện lợi này còn có chất lượng dịch vụ tốt, phù hợp với khách hàng trẻ. Đặc biệt, làn sóng văn hóa với các ca sĩ và diễn viên thần tượng Hàn Quốc chính là điểm hấp dẫn, giúp chuỗi cửa hàng GS25 dễ tiếp cận với người tiêu dùng Việt Nam.

Trước GS25, 7-Eleven - chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn nhất thế giới cũng gia nhập thị trường TP Hồ Chí Minh vào giữa tháng 6 vừa qua. Sức hấp dẫn của 7-Eleven là bên cạnh những sản phẩm thiết yếu, 7-Eleven Việt Nam cũng giới thiệu những sản phẩm mang thương hiệu riêng đến người Việt Nam. Cửa hàng này còn cung cấp bữa trưa công sở với hơn 20 món ăn linh hoạt, thay đổi mỗi ngày, phù hợp văn hóa ẩm thực bản địa.

Đặc biệt, giá bán tại chuỗi cửa hàng này tương đối rẻ. Với khoảng 10 nghìn đồng/cốc mỳ, 15 nghìn đồng/cốc nước chanh… không những người tiêu dùng trẻ, ưa thích sự mới lạ mà ngay cả lao động phổ thông cũng có thể chọn lựa hàng hóa, dịch vụ của 7-Eleven cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Thời gian tới, 7-Eleven tiếp tục đặt mục tiêu mở thêm 100 cửa hàng trong ba năm và 1.000 cửa hàng sau 10 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại… còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ 90 triệu dân. Chưa kể, các DN bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều. Do đó, đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư. Họ có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị DN và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu, dễ dàng chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Bên cạnh đó, nguồn hàng tại chỗ của nước ta rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại. Do đó, bên cạnh việc phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đang là hình thức được nhiều DN ưu tiên đầu tư do có đặc tính nằm sâu trong khu dân cư, đa dạng mặt hàng, dễ dàng mua sắm, kể cả với số lượng rất ít nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tận dụng những điều này, không chỉ tập trung vào mảng bán lẻ, nhiều “đại gia” gia nhập thị trường trước cũng đang tiếp tục mở rộng thị phần ở những lĩnh vực mới, có tiềm năng. Đơn cử, nếu như trước đây, lĩnh vực văn phòng phẩm là lãnh địa riêng của các doanh nghiệp Việt Nam như Hồng Hà, Thiên Long… thì đầu tháng 7 vừa rồi, nhà bán lẻ Thái Lan Central Group đã đưa vào hoạt động Trung tâm văn phòng phẩm B2S (business to school) đầu tiên tại Việt Nam, tập trung vào các nhóm mặt hàng phục vụ cho học sinh, sinh viên. Với thương hiệu bán lẻ mới này, Central Group Việt Nam lên kế hoạch sẽ mở khoảng 30 trung tâm B2S tại Việt Nam trong 5 năm tới, với những điểm kinh doanh sẽ được đặt ở những khu vực trung tâm các thành phố lớn.

Chọn hướng đi riêng

Trong khi các kênh bán lẻ nước ngoài ồn ào trên thị trường với nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập hàng tỷ USD thì các kênh bán lẻ Việt Nam đang chọn cho mình một hướng đi riêng để nâng cao sức cạnh tranh.

Theo đó, không chỉ bán hàng, hiện chuỗi siêu thị VinMart+ đã đón đầu nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh. Với mô hình “2 trong 1”, kết hợp giữa minimart và cửa hàng tiện lợi cung cấp thực phẩm sạch và những hàng hóa thiết yếu cho các bà nội trợ bận rộn, người tiêu dùng có thể chọn mua nhiều thực đơn đã được chuẩn bị sẵn như cá kho, thịt kho, nem rán… giúp chuẩn bị bữa ăn gia đình với những món ngon bổ dưỡng trong thời gian ngắn nhất. Đây là mô hình hấp dẫn các gia đình trẻ.

Thay vì tập trung vào siêu thị và trung tâm thương mại, Saigon Coop đã và đang tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để biến các cửa hàng này thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile. Co.op Smile có diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20 m2 - 200 m2, đặt tại những khu dân cư ở nội đô, ngoại thành với số lượng 1.500 - 2.000 mặt hàng tùy theo diện tích điểm bán. Dự kiến, trong năm 2017, số lượng cửa hàng Co.op Smile sẽ đạt con số 200 – 300.

Nắm bắt trào lưu mua sắm online, hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh. Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, bán hàng qua kênh truyền hình, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Dự tính đến năm 2019, cụm này sẽ được đưa vào hoạt động, giúp đa dạng hình thức mua sắm, thu hút người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều tiềm năng vì kênh phân phối bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ và phần lớn các siêu thị và trung tâm thương mại chỉ tập trung tại các thành phố lớn. Do đó, chọn hướng đi riêng phù hợp với mức sống, thói quen của người tiêu dùng được đánh giá là hướng đi khôn ngoan của các kênh bán lẻ.

Nhận thức được điều này, không tham gia “cuộc chơi” ở khu vực thành phố, nhiều năm nay, kênh bán lẻ thuần Việt LanChi Mart bền bỉ với hành trình mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực nông thôn, ngoại thành, tập trung tại các vùng đông dân cư hoặc gần các khu công nghiệp. Với chuỗi 19 siêu thị trải dài các tỉnh miền bắc, LanChi Mart đã giúp hình thành một môi trường mua sắm văn minh, hiện đại, kết hợp với giải trí tại nông thôn và hiện nay, thương hiệu LanChi Mart đã trở nên quen thuộc với người dân.

Ngoài việc tìm kiếm một hướng đi riêng, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh, Hiệp hội đã khuyến khích các DN bán lẻ Việt Nam liên kết chặt hơn với nhau. Đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các kênh bán lẻ được tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, trong đó đặc biệt là chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Theo đánh giá và kỳ vọng của các chuyên gia, đây là giải pháp cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN bán lẻ Việt.

Nghiên cứu của hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney công bố hồi tháng 6 cho thấy, năm 2017, Việt Nam đã tăng năm bậc lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.

 

Theo HÀ ANH/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm