Trong giao dịch điện tử cần cơ chế để chống gian lận và có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý trường hợp tranh chấp xảy ra.
“Cần có hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh”. Nhận định này được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề cương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội.
Giao dịch điện tử là xu thế tất yếu của nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí. Nhà nước cũng tiết kiệm được nhân lực, nâng cao hiệu quả quản lý. Đại diện VCCI nhận định, thời gian qua, lĩnh vực tài chính có chuyển động tích cực trong áp dụng công nghệ thông tin. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp có mã số kê khai thuế điện tử tăng, cảnh xếp hàng ở chi cục thuế trước đây giảm đi nhiều.
Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề cương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007 về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức do sự chuyển động chưa đồng đều của các cơ quan liên quan. Việt Nam đang bị đánh giá thấp nhất trong nhiều nhóm yếu tố hình thành nên một quốc gia số, đặc biệt là nhóm chỉ số về chính sách và thuế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu thực tế, mặc dù khuyến khích doanh nghiệp thực hiện giao dịch điện tử, dùng hóa đơn điện tử, nhưng cơ quan như công an, quản lý thị trường…mức độ thay đổi chậm, chưa tương xứng nên doanh nghiệp gặp trở ngại.
“Với những chuyến hàng chạy trên đường, các cơ quan quản lý phải có cách thức để kiểm tra đánh giá hàng hóa có hợp pháp hay không, thay bằng việc tiếp tục bắt doanh nghiệp nộp hóa đơn giấy bản in sẽ gây khó cho doanh nghiệp. An toàn trong giao dịch cũng là điềunhiều doanh nghiệp lo ngại. Cần phải có cách thức để bảo mật, bảo đảm thông tin trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt cũng là thách thức đặt ra cho cơ quan soạn thảo”, ông Tuấn nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 27/2007 ra đời được 10 năm, đến nay bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi cần sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về pháp luật liên quan đến giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, hỗ trợ, giảm chi phí cho doanh nghiệp khi làm việc với các cơ quan nhà nước, chống nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong các lĩnh vực tài chính, hải quan; kế toán; kiểm toán độc lập; chứng khoán; bảo hiểm; dịch vụ tài chính. Dự thảo cũng đề xuất nhóm chính sách về cụ thể hóa và mở rộng điều kiện chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trong quá trình giao dịch điện tử. Một số ý kiến cho rằng, trong môi trường điện tử, cần cơ chế để chống gian lận và có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý trường hợp tranh chấp xảy ra, nhất là khi sử dụng chữ ký điện tử.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Quốc hội đã thông quan Luật an toàn thông tin mạng năm 2015. Dự thảo nghị định sẽ xem xét đảm bảo tính khả thi, đảm bảo tính bí mật của các thông tin giao dịch.
Trước những khó khăn khi thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, ông Nguyễn Việt Hùng cho rằng, để thực thi hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều cơ quan liên quan.
“Cần có sự vào cuộc của cả cơ quan sử dụng hệ thống thông tin và cơ quan giám sát việc giao dịch. Đơn cử khi người dân, doanh nghiệp làm thủ tục thông quan hải quan điện tử, có vận đơn điện tử; cơ quan quản lý thị trường, công an kiểm tra, các cơ quan chức năng phải được trang bị thiết bị kiểm tra hóa đơn điện tử để không bắt người dân xuất trình hóa đơn giấy. Đây là một trong những khó khăn và cần thời gian hoàn thiện công cụ thể chế và vấn đề này đã được lường trước”, ông Hùng chỉ rõ.
Theo vov.vn