Cập nhật: 08/09/2017 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc giảm hàng loạt loại phí, lệ phí và động thái này được các chuyên gia đánh giá là ngược chiều với đề xuất tăng thuế VAT đang ‘nóng rẫy’ gần đây.

Ảnh minh họa

Tại nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có các cơ quan, đơn vị đang cung cấp dịch vụ công và thu phí thống nhất mức giảm phí liên quan đến chi phí của DN, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc ban hành theo thẩm quyền.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Tài chính đã phát đi một loạt công văn gửi các các bộ, cơ quan ngang bộ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… lấy ý kiến về dự thảo các thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư về thu phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực quản lý của Bộ.

Cụ thể, tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 286/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh giảm phí thẩm định cấp giấy chứng nhận thực phẩm xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu đối với trường hợp phải kiểm tra, lấy mẫu tại DN từ 350.000 đồng/lô hàng xuống 200.000 đồng/lô hàng.

Đồng thời, đề xuất giảm phí thẩm định xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản xuống còn 30.000 đồng/lần/người.

Bộ Tài chính cũng đề xuất bãi bỏ lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn, thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC.

Tại dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 225/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi từ 120 triệu đồng xuống 105 triệu đồng/lần thẩm định.

Theo dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 277/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính cũng điều chỉnh giảm mức thu phí thẩm định xác nhận nội dung thông tin, quảng cáo thuốc, mỹ phẩm từ 1.800.000 đồng xuống 1.600.000 đồng/hồ sơ; giảm mức thu phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu dược liệu, vị thuốc cổ truyền từ 200.000 đồng xuống 150.000 đồng/1 mặt hàng; bãi bỏ phí thẩm định hồ sơ cấp thẻ người giới thiệu thuốc 200.000 đồng/hồ sơ.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 215/2016/TT-BTC, Bộ Tài chính còn đề xuất điều chỉnh giảm mức thu lệ phí đăng ký thành lập DN, thay đổi nội dung đăng ký DN, cấp giấy chứng nhận đăng ký DN từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần; giảm mức thu phí cung cấp thông tin DN theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên từ 5.000.000 đồng xuống 4.500.000 đồng/tháng.

Bộ đề nghị các cơ quan nghiên cứu, có ý kiến đối với dự thảo thông tư, gửi về để tổng hợp, ban hành thông tư, kịp thời gian báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI: “Các đề xuất giảm phí, lệ phí của Bộ Tài chính là một diễn biến ngược chiều với đề xuất tăng thuế VAT tại Luật sửa đổi 5 luật thuế đang ‘nóng rẫy’ gần đây”.

Nhiều khoản phí, lệ phí được đề xuất giảm đến 50% là rất đáng kể. Nếu tính khoảng 100.000 DN đăng ký hằng năm nhân lên thành con số tương đối lớn, đặc biệt đối với những người bắt đầu khởi sự kinh doanh thì việc được giảm chi phí một vài trăm nghìn cũng là rất đáng ghi nhận.

Ông Tuấn cho rằng, đây là một chuyển động tích cực để cụ thể hóa chủ trương và tuyên bố năm 2017 là năm giảm chi phí cho DN của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm đồng tình.

Ông Tô Hoài Nam cho rằng vì những khoản phí, lệ phí này có ảnh hưởng trực tiếp tới các DN nên sau khi hỏi ý kiến các bộ, ban, ngành và các cơ quan quản lý địa phương, Bộ Tài chính nên tham vấn cộng đồng DN, chú ý đặc điểm nhiều khi chính kiến của cộng đồng DN và các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau, phải làm sao để cân bằng được điều đó để đưa ra những quy định mới mang tính cải cách và khả thi.

“Nhưng quan trọng nhất sau khi hỏi ý kiến xong thì phải có cơ chế tiếp thu, nếu hỏi mà không có cơ chế tiếp thu thì cũng không mang lại hiệu quả”, ông Nam nhấn mạnh.

 

Theo Thu Hương/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm