Cập nhật: 27/09/2017 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở thôn Vật Cách, xã Đồng Cương (Yên Lạc) có những người mê chèo như điếu đổ. Từ nhiều năm nay, họ cùng tụ hợp dưới một mái nhà chung - Câu lạc bộ (CLB) Chiếu chèo thôn Vật Cách. Ở đó, họ cùng ca hát, trò chuyện, cùng sẻ chia mọi vui, buồn trong cuộc sống.

 

 

Các thành viên CLB Chiếu chèo thôn Vật Cách trong giờ tập luyện. Ảnh Dương Chung

Chúng tôi về thôn Vật Cách khi các cụ, các bác trong CLB chiếu chèo đã tập trung đông đủ ở nhà văn hóa thôn. Mỗi người một loại nhạc cụ khác nhau. Ngoài cây sáo mới “tậu” được của bác Nguyễn Văn Triệu, có lẽ tất cả số nhạc cụ còn lại đều là “đồ cổ”. Trên những cây đàn, từng mảng gỗ úa vàng, bong tróc, loang lổ; từng sợi dây tơ đan xen, chồng chéo, có những sợi thừa, để riêng ra, xoăn tít.

Trong số các nhạc cụ, cây đàn măng-đô-lin của bác Nguyễn Văn Đều có "niên đại" lớn nhất. Chiếc đàn được mua từ khi bác 12 tuổi, giờ bác đã ngoài 60. Qua bao thăng trầm của cuộc đời, cây đàn vẫn ở đó, bên cạnh bác. Nó đã cũ đi rất nhiều, song thứ âm thanh nó phát ra thì vẫn vậy, chỉ có thể nói là “độc nhất vô nhị”. Bác Đều kể: “Trước kia nghèo, nhà không có xe đạp để đi. Ấy vậy mà chỉ vì yêu chèo, mê ca nhạc, gia đình sẵn sàng bỏ tiền ra mua cây đàn có giá trị tương đương một chiếc xe Honda". 12 tuổi mua đàn, 13 tuổi bắt đầu hát chèo, thế nên, chèo đã ngấm vào xương, vào máu của bác Đều tự bao giờ.

Mặc dù chỉ là diễn viên chèo nghiệp dư, song những thành viên của CLB Chiếu chèo thôn Vật Cách thực sự là những "tay" sành nhạc. Điều đó được thể hiện thông qua cách chọn nhạc cụ.Khó tính bậc nhất trong CLB, phải nói đến tay trống Nguyễn Văn Hòa. Mấy tháng trước, ông Hòa cùng 3, 4 người khác xuống Hà Nội mua trống. Đi liền mấy ngày không tìm được chiếc trống như ý, ông bắt xe khách xuống huyện Duy Tiên (Hà Nam), đến làng trống Đọi Tam để tìm trống. Ấy vậy mà chuyến đi lại không được viên mãn khi ông đem về chiếc trống đánh lên thứ âm thanh mà ông bảo là chỉ “tạm được”, chưa phải là trống chèo thực sự.

Mỗi thành viên trong CLB là một nghệ sĩ đa tài, bởi họ không chỉ biết chơi đàn mà còn biết hát. Trong đó, nếu để bình chọn giọng ca hay nhất, có lẽ mọi người đều chọn cô Lưu Thị Ghi. Cô Ghi có dáng người dong dỏng, khuôn mặt nhỏ nhắn, điệu bộ chân chất nông dân. Ấy vậy mà khi cô cất tiếng hát, cả đoàn ai nấy đều "Sởn da gà". Giọng ca mượt mà, khoan thai, dìu dặt, có đượm chút da diết, như muốn vỗ về, níu giữ. Cô Ghi mở từ bọc ni-lon, lấy ra 2 cuốn sổ, trong đó, ghi chép các làn điệu, các vở chèo. Có cả thảy hơn 300 bài, trong đó, có 5 bài do chính cô sáng tác, nội dung ca ngợi quê hương với truyền thống cách mạng vẻ vang nay từng ngày “thay da đổi thịt” nhờ xây dựng nông thôn mới. Tại liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2016, được tổ chức vào năm 2016, các thành viên của CLB Chiếu chèo thôn Vật Cách đã tham gia trình diễn bài “Đồng Cương đổi mới”. Kết quả, CLB vinh dự đạt giải Ba. Nhớ lại lúc đi thi, cô Ghi cho biết: “Trước khi thi, các thành viên không phải tập luyện nhiều, bởi từng lời ca, từng điệu nhạc chúng tôi đều đã thuộc. Thứ duy nhất phải chuẩn bị là tinh thần. Lúc mới bước ra sân khấu, ai nấy đều run vì phải đứng trước nhiều khán giả. Thế nhưng, khi tiếng đàn, tiếng trống cất lên, chúng tôi bắt đầu hát và quên mất mình đang ở đâu, xung quanh chúng tôi chỉ còn chèo và chèo”.

Chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với những nghệ sĩ chèo nghiệp dư thôn Vật Cách. Cô Lưu Thị Hường, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Người già như chúng tôi bây giờ, cái ăn, cái mặc nhiều khi không còn quan trọng nữa, quan trọng là đời sống tinh thần được vui vẻ, thoải mái. Nhờ chèo, chúng tôi được sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Có lẽ bởi vậy mà cô Hường và chồng cô là bác Vũ Văn Chấn đều tham gia CLB. Cô Hường kể, ngoài những lúc tham gia tập luyện cùng CLB, lúc ở nhà, 2 vợ chồng cũng thường xuyên hát cho nhau nghe, nếu thấy chỗ nào hát chưa được thì bổ sung cho nhau. Do có chung niềm đam mê với nghệ thuật chèo nên các thành viên trong CLB dễ đồng cảm, chia sẻ với nhau mọi vui, buồn trong cuộc sống. Mỗi khi có ai đau ốm, mọi người lại cùng nhau tới nhà thăm hỏi, cùng nhau hát vài ba làn điệu chèo, và rồi cái mệt, cái ốm dường như được xua tan.

Chèo không chỉ mang đến niềm vui cho các thành viên trong CLB mà còn đem đến không khí vui tươi, rộn ràng cho làng quê Vật Cách. Mỗi tuần 2 buổi, dân làng lại nghe tiếng trống chèo, tiếng đàn tam, đàn nhị và tiếng hát thiết tha, mượt mà cất lên từ phía trong nhà văn hóa thôn. Mỗi lần như thế, lòng người lại náo nức, rộn ràng. Ông Lê Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Cương cho biết: “CLB Chiếu chèo thôn Vật Cách là nơi sinh hoạt văn nghệ quần chúng của các bác trung niên và các cụ cao niên trong thôn. Mặc dù đã đã có từ rất lâu, song đến năm 2016, UBND xã mới ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của CLB. Khi mới thành lập, CLB có 17 thành viên, đến nay, đã bổ sung thêm 1 thành viên. CLB quy tụ những người có năng khiếu và yêu thích nghệ thuật chèo. Thông qua các làn điệu, ca cảnh, hoạt cảnh, vở diễn chèo, những thành viên trong CLB đã đem lời ca tiếng hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, những tấm gương người tốt, việc tốt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Chia tay CLB Chiếu chèo thôn Vật Cách trong sự quyến luyến của các bác, các cụ, lòng thầm mong sẽ trở lại trong một ngày không xa, để lại được nghe tiếng trống chèo, hòa cùng với tiếng hát, mượt mà, trong veo, ấm áp tình người.

ST

Tệp đính kèm