Nhiều ý kiến cho rằng, cần thận trọng với việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm vì có thể phát sinh nhiều bất lợi cho nền kinh tế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico (Ảnh: Internet)
Đánh thuế phần lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng mới chỉ là đề xuất, nhưng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên đề xuất này được đưa ra, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần thận trọng vì có thể phát sinh nhiều bất lợi cho nền kinh tế.
Lo lợi ít, hại nhiều
Tại hội thảo lấy ý kiến sửa 5 luật thuế do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức mới đây, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico đề xuất Bộ Tài chính cần có quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Đối tượng bị đánh thuế là hướng đến các khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ vài tỷ đồng trở lên.
Theo quy định Luật Thu nhập cá nhân hiện nay, cá nhân thu một đồng lãi từ việc cho vay hay được chia cổ tức đều bị đánh thuế 5%. Trong khi đó, thu lãi tiền gửi ngân hàng thì không phải nộp thuế, dù thu lãi hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng là chưa hợp lý.
Do đó, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất đánh thuế khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt 2 lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân, tức là khoảng 108 triệu đồng/năm như hiện nay và dự kiến theo đề xuất Bộ Tài chính là 240 triệu đồng từ năm 2019.
“Bây giờ đang miễn thuế cho tiền gửi tiết kiệm là không hợp lý. Đối với số tiền gửi nhỏ của người thu nhập thấp miễn thì đúng, giống như miễn thuế thu nhập cá nhân cho người dưới 9 triệu không phải đánh thuế. Tôi đề nghị nếu lãi 240 triệu nên quy định người gửi tiền tầm 3 tỷ đồng trở lên phải đánh thuế. Mặt bằng đánh thuế 5% như thu nhập cá nhân là bình thường, tốt cho xã hội, góp phần dịch chuyển đồng tiền vào đầu tư kinh doanh thay vì chỉ gửi ngân hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hiện nay, các ngân hàng thương mại phần lớn dựa vào huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân. Bởi vậy, đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi làm dấy lên lo ngại về việc ngân hàng sẽ khó huy động vốn và tác động đến cung tín dụng cho nền kinh tế và lãi suất cho vay khó giảm thêm.
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia về thuế và hải quan cho rằng, chưa phải lúc để đánh thuế tiền gửi ngân hàng, vì tại thời điểm hiện nay nếu thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Nếu đánh thuế sẽ dẫn đến việc huy động tiền gửi ngân hàng khó khăn, người dân có thể mua vàng, mua USD để cất đi hơn là gửi vào ngân hàng. Do đó, thời điểm để áp dụng là một trong những yếu tố thành công hay không thành công. Giai đoạn hiện nay mà thu thuế tiền gửi sẽ càng khó”, bà An cho biết.
Cân nhắc thận trọng, tránh thuế chồng thuế
Hiện nay, hầu hết thu nhập của người dân đều bị điều chỉnh bằng nhiều sắc thuế khác nhau. Số tiền tiết kiệm được, nếu đánh thuế lần nữa sẽ chẳng khác nào là thuế chồng thuế và quá tận thu.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính không đồng tình với đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Bởi vì, lãi suất tiền gửi hiện không cao so với thu nhập từ thực tế của người dân và càng không cao so với tốc độ lạm phát, mất giá của đồng tiền.
Bởi lẽ, những người có khoản tiền lớn thường đưa vào đầu tư sản xuất, kinh doanh hơn là chỉ gửi ngân hàng. Còn số người gửi tiền tiết kiệm để lấy lời như kênh đầu tư thì chưa chắc đã nhiều.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong thời gian tới, nếu mặt bằng lãi suất huy động cao hơn, mức độ mất giá giảm thấp, thì có thể xem xét nghiên cứu đánh thuế vào khoản gửi tiết kiệm lớn, nhằm thúc đẩy người dân đưa tiền nhàn rỗi vào hoạt động sản xuất tạo công việc và tăng trưởng kinh tế, còn trước mắt thì đánh thuế chưa hợp lý.
Trên thế giới, nhiều nước áp đã dụng đánh thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Tại Việt Nam, đề xuất đánh thuế lãi tiết kiệm cũng từng được Hiệp hội Bất động sản TP HCM đưa ra vào năm 2013. Lần này, đề xuất đánh thuế đối với lãi tiền gửi ngân hàng tập trung vào những món tiền gửi lớn, mang về khoản thu nhập lãi hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty CP Chứng khoán TP HCM, nêu ý kiến phải có cơ sở pháp lý và thực tế cụ thể mới thực hiện được.
“Cần có báo cáo đánh giá chi tiết tiền gửi cá nhân mà không công khai danh tính. Nên xử lý dữ liệu Big data trước, để xem hiện nay có bao nhiêu người gửi, quy mô gửi thế nào sau đó mới đưa ra các mức thuế (nên thấp hơn so với thuế thu nhập cá nhân). Mặc dù thuế là nguồn thu cho ngân sách nhưng cần có đánh giá cụ thể về tác động với nền kinh tế nói chung và phát triển của hệ thống ngân hàng trước khi thực hiện”, ông Khánh nêu rõ.
Tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước, trong đó có cơ cấu lại nguồn thu và cải cách hệ thống, chính sách thuế là một trong những mục tiêu quan trọng. Nhưng không phải vì vậy mà cố gắng tận thu, ảnh hưởng đến số đông người dân và nền kinh tế nói chung.
Chính sách thuế nếu không nhận được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp thì sẽ không tránh khỏi những phát sinh chiêu trò lách luật, gây khó cho công tác quản lý, mà nền kinh tế cũng không được lợi gì./.
Theo Việt Hà/VOV.VN - Trung tâm Tin