Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 đã chính thức khai mạc tối 29/9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang.
Điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm; đại diện lãnh đạo các ban ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố; đại diện các Đại sứ quán: Lào, Philippines, Indonesia tại Việt Nam; lãnh đạo tỉnh Luông Phabang, tỉnh Xiêngkhoảng (Lào), tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)...
12 đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên từ: Lai Châu, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Hà Nội, Sơn La và Tuyên Quang đã tham dự ngày hội do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh có đồng bào dân tộc Dao sinh sống tổ chức này.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang Phạm Minh Huấn nhiệt liệt chào mừng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại biểu và du khách trong và ngoài nước đã đến tham dự Ngày hội văn hóa dân tộc Dao và Lễ hội Thành Tuyên; đồng thời khẳng định trong những năm qua công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trong đó có giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao được tỉnh hết sức quan tâm.
Đặc biệt, Lễ cấp sắc và hát Páo Dung của người Dao ở Tuyên Quang đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Nhấn mạnh vinh dự là tỉnh đăng cai Ngày hội, ông Phạm Minh Huấn khẳng định Tuyên Quang sẽ cùng các tỉnh trong cả nước làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa dân tộc Dao nói riêng, để xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang bày tỏ hy vọng Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên năm 2017 sẽ để lại trong lòng các đại biểu và du khách gần xa những kỷ niệm khó quyên về mảnh đất, con người Tuyên Quang thân thiện, mến khách, đang nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương cách mạng “Thủ đô Khu giải phóng-Thủ đô kháng chiến” ngày một giàu đẹp, văn minh.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên là đồng bào dân tộc Dao đang sinh sống tại 12 tỉnh, thành phố đã hội tụ, đoàn kết tại tỉnh Tuyên Quang, cùng chung vui và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đặc sắc nhất của dân tộc Dao.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh văn hóa các dân tộc thiểu số là di sản quý giá, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa rất quan trọng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá việc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa to lớn, thiết thực nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của các cấp, các ngành, các địa phương đến đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao.
Đây cũng là dịp để đồng bào cả nước nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng bày tỏ tình cảm, niềm tin của mình đối với Đảng, Nhà nước và nâng cao ý thức trách nhiệm với văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc phòng.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, chúng ta cần tiếp tục tập trung hơn nữa, quan tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, tính đa dạng, bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em; bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng những giá trị văn hóa mới phù hợp với thời đại mới.
Các cấp, các ngành, các địa phương cần đề cao và phát huy tối đa vai trò của các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc; tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm nâng cao mức thụ hưởng và tham gia hoạt động sáng tạo văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước."
Chúc ngày hội thành công tốt đẹp, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong những năm qua đã tạo điều kiện, hỗ trợ đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng vượt lên khó khăn, đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực.
Đồng bào dân tộc Dao ngày càng củng cố, giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc, qua đó đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc Dao nói riêng từng bước được cải thiện và nâng cao; cùng nhau chung sức, chung lòng xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội Thành Tuyên 2017 kéo dài đến ngày 4/10/2017. Những sắc màu văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Dao đến từ 12 tỉnh, thành được thể hiện qua nhiều hoạt động phong phú như trưng bày triển lãm sắc màu văn hóa dân tộc Dao; hội thảo bảo tồn phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh hội nhập; biểu diễn văn nghệ dân gian; trình diễn trang phục người Dao, các trích đoạn lễ hội và sinh hoạt văn hóa Dao…
Dân tộc Dao ở Việt Nam có trêm 700.000 nghìn người, chủ yếu sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu..., còn lại sống rải rác ở các tỉnh khác.
Trích đoạn Lễ cầu mùa của đồng bào dân tộc Dao. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Đồng bào dân tộc Dao sinh sống đông nhất ở Tuyên Quang và Hà Giang với số dân mỗi tỉnh trên dưới 100 nghìn người. Những nhóm dân tộc Dao ở Việt Nam được gọi tên là: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu bản), Dao Quần Trắng, Dao Quần Chẹt, Dao Lô Gang, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài...
Cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam luôn đoàn kết một lòng, có những đóng góp to lớn trong xây dựng và phát triển đất nước; đặc biệt đã tạo dựng nên một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc hòa chung vào nền văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Một trong những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc Dao là lễ cấp sắc. Đây là nghi lễ công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao. Lễ cấp sắc giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Dao, chứa đựng trong đó sự đa dạng các giá trị văn hóa lâu đời đã được chắt lọc, kết tinh qua nhiều thế hệ của người Dao...
Tại lễ khai mạc, trong bầu không khí hội tụ, đoàn kết cùng chung vui và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các đại biểu đã xem phóng sự giới thiệu người Dao trên toàn quốc.
Đoàn nghệ thuật Tuyên Quang, Đoàn nghệ thuật Quân khu 2, Đoàn Nghệ nhân dân gian, Đoàn nghệ thuật Quân khu 1... đã trình diễn trích đoạn: Lễ cấp sắc dân tộc Dao, nghi thức lễ lên đèn, nghi thức tơ hồng, nghi lễ đám cưới người Dao.../.
HOÀNG HOA-QUANG CƯỜNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/khai-mac-ngay-hoi-van-hoa-dan-toc-dao-va-le-hoi-thanh-tuyen/468618.vnp