Cập nhật: 04/10/2017 14:10:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hầu hết các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2017-2018, có thể đạt mức 3,5-3,6% nhờ những tín hiệu khởi sắc của các nền kinh tế chủ chốt, trong 9 tháng đầu năm 2017.

Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đạt mức tăng trưởng 3% trong quý II/2017, cao nhất trong 2 năm qua, và dự báo sẽ tăng trưởng 3,4% trong quý tiếp theo.

Tại Nhật Bản, mức tăng trưởng 0,6% đạt được trong quý II nhờ do xuất khẩu gia tăng. Đây là chuỗi thời gian tăng trưởng kéo dài nhất trong hơn một thập kỷ qua ở nước này.

Kinh tế khu vực đồng Euro phục hồi tích cực do nới lỏng tiền tệ và nỗ lực tái cơ cấu, xử lý khủng hoảng nợ công. Nhờ đó, chỉ số tăng trưởng trong lĩnh vực chế tạo tăng lên 55,8 điểm, trong khi tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống thấp nhất kể từ năm 2009.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc có nhiều khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2017 do nửa đầu năm đã đạt mức tăng 6,9% nhờ tăng tín dụng, đầu tư và các lĩnh vực mới như kinh tế số, dịch vụ, công nghệ…

Nhiều nền kinh tế khác ở châu Á cũng đạt mức tăng trưởng khởi sắc như Ấn Độ (trên 7%), Philippines (6,5%), Việt Nam (6,41%), Malaysia (5,8%)…

Theo Liên Hợp Quốc, thương mại toàn cầu tăng cao nhất trong 6 năm qua với tốc độ dự báo khoảng 4% (nửa đầu năm 2017 tăng 4,3%) nhờ giá cả hàng hóa ổn định, phục hồi tăng trưởng và cải thiện niềm tin kinh doanh ở nhiều nền kinh tế.

Xuất nhập khẩu của các nền kinh tế đang nổi châu Á phục hồi tích cực, đóng góp gần 70% mức tăng nhập khẩu toàn cầu. Nhật khẩu hàng tư liệu sản xuất của Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng cải thiện.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu dự báo tăng 5%, đạt 1.800 tỷ năm 2017 so với mức tăng trưởng 2% năm 2016, trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ thu hút nhiều FID nhất.

Đáng chú ý, khảo sát của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), giới đầu tư quốc tế tiếp tục duy trì niềm tin vào các nền kinh tế đang nổi ở châu Á.

Bên cạnh đó, giá dầu từ đầu năm 2017 đến nay tương đối ổn định ở khoảng 50 USD/thùng. Tình trạng dư cung dầu giảm dần khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) duy trì giảm sản lượng, có khả năng kéo dài thỏa thuận này đến hết năm 2018.

Trong khi đó, nhu cầu dầu ước tăng khoảng 1,6 triệu thùng/ngày lên 97,7 triệu thùng/ngày do phục hồi tăng trưởng kinh tế ở nhiều nền kinh tế lớn. Một số tổ chức quốc tế dự báo thị trường dầu thế giới đang tiến đến cân bằng, ít khả năng có biến động trong năm 2017-2018.

Cơ hội cho Việt Nam và yêu cầu của Thủ tướng

Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố, nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2017 chuyển biến tích cực, thể hiện ở mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Nếu quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,28%, thì quý III có sự đột phá, tăng 7,46%.

Tăng trưởng và thương mại toàn cầu phục hồi tạo ra cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu. Giá trị suất khẩu của Việt Nam tăng 21,4% trong 9 tháng đầu năm, đạt 289,14 tỷ USD vừa thể hiện nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông mọi tiềm năng tăng trưởng đồng thời phản ánh xu thế phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, đầu tư quốc tế tiếp tục chuyển dịch sang các thị trường tiềm năng có chính trị-xã hội ổn định, môi trường đầu tư cải thiện, tạo cơ hội cho Việt Nam tranh thủ các dòng vốn mới, nhất là dòng vốn gắn với công nghệ cao.

Việt Nam ghi nhận luồng vốn đầu tư nước ngoài ở mức cao với tổng vốn FDI đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 25,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 34,3% trong khi vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, hàng hóa Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận một số thị trường, nhất là các hàng hóa nhạy cảm với bảo hộ, đồng thời chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn tại thị trường trong nước.

Sự điều chỉnh của một số nước đối với các liên kết kinh tế khu vực cũng đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý để bảo đảm lợi ích và nâng cao hiệu quả hội nhập.

Nhiều ý kiến cho rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng tích cực hơn chủ yếu do tăng trưởng mang tính chu kỳ trong sản xuất, đầu tư, thương mại sau nhiều năm trì trệ. Kinh tế thế giới vẫn chưa bứt khỏi “bẫy tăng trưởng thấp” do các yếu tố nền tảng chậm cải thiện như năng suất, cải cách cơ cấu…

Dự báo, kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng ở mức 3,5-3,7% từ nay đến năm 2022.

Nhận diện rõ những khó khăn nêu trên và đó cũng chính là một trong những lý do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải quán triệt tinh thần “tuyệt đối không được chủ quan” tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2017 nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2017./.

 

Theo Hải Minh/ Chinhphu.vn

Tệp đính kèm