Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia nhằm thu hút khách, việc phải phát triển một hệ thống sản phẩm, dịch vụ đa dạng, hấp dẫn, chuyên nghiệp chính là yếu tố cốt lõi tạo nên năng lực cạnh tranh, khả năng hội nhập cho du lịch Việt Nam. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bãi biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh) thu hút đông du khách nghỉ dưỡng vào mùa hè.
Chất lượng chưa tương xứng tiềm năng
Để hình thành sản phẩm du lịch, trước tiên phải dựa trên cơ sở then chốt là tài nguyên du lịch. Ai cũng thừa nhận, nguồn tài nguyên này ở Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo, từ hệ sinh thái thiên nhiên tới hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích; từ gia tài di sản văn hóa vật thể tới phi vật thể… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch biển đảo, du lịch văn hóa… Bên cạnh đó, những năm gần đây, sự tham gia vào thị trường Việt Nam của các tập đoàn khách sạn lớn trên thế giới và sự vào cuộc của những nhà đầu tư chiến lược, như SunGroup, VinGroup, tập đoàn Mường Thanh… cũng đang hình thành hệ thống cơ sở vật chất tiện nghi, chất lượng cao tại nhiều địa phương trên cả nước, mang đến diện mạo mới về năng lực cung ứng sản phẩm du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự đa dạng về chất lượng sản phẩm du lịch nói chung cũng như sự sẵn sàng của các dịch vụ liên quan chưa thật sự phát triển tương xứng tiềm năng, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo Báo cáo về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố cuối quý I năm 2017, du lịch Việt Nam xếp vị trí 67/136 quốc gia, tăng tám bậc so với năm 2015 (75/141). Mặc dù vậy, các chuyên gia du lịch cho rằng, việc cải thiện thứ hạng này chủ yếu nhờ sự nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; bởi năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực, nhất là ở các chỉ số được đánh giá rất thấp liên quan vấn đề bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch như: mức độ bền vững về môi trường, chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch… Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam thiếu những điểm đến nổi trội, khác biệt để tạo thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Mặc dù các loại hình, sản phẩm du lịch đã được xác định và hình thành, nhưng chưa có sự đầu tư phát triển tập trung, để tạo những khu du lịch, điểm du lịch lớn, chất lượng cao. Phát triển sản phẩm du lịch nhiều nơi còn mang tính tự phát, chưa thật sự dựa trên nhu cầu thị trường, thiên về số lượng mà chưa quan tâm đúng mức đến chỉ tiêu về chất lượng. Việc khai thác các giá trị tài nguyên du lịch ở một số nơi còn chạy theo việc đáp ứng nhu cầu hiện tại, chưa chú trọng sự bền vững về tự nhiên, xã hội… Và kết quả là sản phẩm du lịch của nước ta còn đơn điệu, thiếu điểm nhấn, trùng lặp giữa các vùng. Du khách chỉ cần đến một địa phương cũng có thể cảm nhận những sản phẩm tương tự ở các địa phương lân cận, nên không mạnh tay chi tiêu để khám phá điểm đến mới. Sự yếu kém trong xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm không chỉ là bất cập của ngành du lịch nói chung, mà còn "làm khó" các doanh nghiệp du lịch khi thường xuyên phải khai thác các dòng sản phẩm lặp đi lặp lại theo chu kỳ năm. Đại diện các hãng lữ hành cho rằng, đây cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm du lịch nhiều nhưng dần trở nên bão hòa, dẫn đến hình thành xu hướng du khách tự xây dựng, thiết kế riêng sản phẩm du lịch cho chuyến đi của mình, tính phụ thuộc vào các tua thiết kế trọn gói từ doanh nghiệp du lịch ngày một thấp. Trước thực tế này, đòi hỏi phải có sự hoạch định bài bản để quy hoạch các tuyến, điểm du lịch; xây dựng những sản phẩm hấp dẫn, chất lượng, giàu tính cạnh tranh cho ngành "công nghiệp không khói" Việt Nam.
Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm
Để tạo tính cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng: Mỗi vùng miền nước ta có nét đặc trưng riêng về tự nhiên, văn hóa, nên điều tiên quyết là cần nghiên cứu tạo ra các dòng sản phẩm đặc trưng, chuyên biệt, mang đậm bản sắc văn hóa, không sao chép, phát huy tối đa giá trị tài nguyên du lịch vốn có của địa phương, phù hợp nhu cầu, thị hiếu du khách. Cần tập trung nghiên cứu, định hướng thị trường, nhóm khách, phân khúc thị trường và cập nhật xu hướng mới trong du lịch để xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Trong đó, chú trọng khả năng liên kết để tạo thành chuỗi các sản phẩm, nhằm gia tăng trải nghiệm của du khách. Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch là rà soát, đánh giá, phân loại các loại tài nguyên và đề ra phương hướng khai thác, phát triển. Nhưng mặt khác, sản phẩm du lịch trong nhiều trường hợp là tập hợp của nhiều dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp, nên từng doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ mình cung ứng.
Đại diện Công ty du lịch Viettravel gợi ý từng vùng, địa phương nên có sự quy hoạch lại để tạo sản phẩm nổi bật. Khu vực miền núi Bắc Bộ có thể xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, homestay kết hợp nghỉ dưỡng; đồng bằng sông Hồng do đặc thù là khu vực hành chính, có thể đẩy mạnh loại hình du lịch văn hóa, đô thị; khu vực duyên hải miền trung tập trung mạnh vào du lịch biển, đảo; khu vực Tây Nguyên có thể áp dụng mô hình giống vùng miền núi Bắc Bộ; TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ tập trung phát triển du lịch về nguồn, du lịch hội nghị; khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp nghỉ dưỡng. Đối với từng loại hình, cần khai thác thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng. Chẳng hạn, tại khu vực vùng cao, có thể tổ chức du lịch trải nghiệm sinh thái kết hợp spa, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp với các sản phẩm thiên nhiên từ rừng núi; khu vực đồng bằng có thể đẩy mạnh khai thác lễ hội, đưa các yếu tố nhân văn và tín ngưỡng vào sản phẩm du lịch để tăng tính hấp dẫn, thu hút truyền thông. Riêng các khu trung tâm hành chính lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, cần khai thác khả năng chi tiêu của khách thông qua loại hình du lịch mua sắm ở các phố đi bộ, chợ đêm, tua tham quan thành phố, bảo tàng, các chương trình nghệ thuật… Nhìn sang một số nước bạn, ở Thái-lan, gần đây, Chính phủ nước này đã mở cửa để công dân các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Trung Quốc khi tới du lịch chữa bệnh được phép lưu trú tối đa 90 ngày và áp dụng cho cả bốn người khách đi kèm bệnh nhân. Đây là chính sách nhằm tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm du lịch y tế của đất nước được mệnh danh là xứ sở nụ cười. Còn ở Nhật Bản, bên cạnh sản phẩm du lịch liên quan đến hoa anh đào nổi tiếng, đất nước này cũng đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch giáo dục, đưa du khách tham quan, trải nghiệm những mô hình giáo dục, giao tiếp chỉ có ở Nhật Bản. Điều này cho thấy, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống, nước ta cũng nên nghiên cứu phát triển những sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách, trên cơ sở tham khảo cách làm của các nước bạn. Các chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển sản phẩm du lịch y tế dựa trên nền tảng y học cổ truyền, thậm chí có thể thu hút ngay dòng khách nội địa. Đặc biệt, nước ta cần tranh thủ lợi thế về tinh hoa ẩm thực để phát triển du lịch ẩm thực, bởi đây thật sự là di sản văn hóa phi vật thể mang tính bền vững, cũng là thế mạnh của du lịch Việt Nam.
Bảo đảm môi trường du lịch thân thiện
Cần khẳng định, sản phẩm du lịch dù độc đáo, hấp dẫn đến mấy mà không được tạo điều kiện để tiếp cận và để lại thiện cảm cho du khách thì cũng không thể mang lại hiệu quả thật sự. Do đó, bên cạnh việc tạo đột phá về sản phẩm, dịch vụ du lịch, còn cần đặc biệt quan tâm đến môi trường du lịch. Một môi trường du lịch thân thiện cần được tạo dựng dựa trên những chính sách thông thoáng về thủ tục tham quan, tạo động lực thu hút du khách; dựa trên việc bảo đảm môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp với những quy chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm; và đặc biệt là dựa trên ý thức, cung cách cung cấp dịch vụ của đội ngũ làm du lịch cũng như cộng đồng địa phương. Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn SunGroup cho rằng: Sản phẩm du lịch Việt Nam cần tạo đẳng cấp ngay từ ý thức làm du lịch. Đó không phải thứ gì cao siêu mà đơn giản chỉ từ nghi thức cúi chào khách khi khách đến, lúc khách đi; việc tạo lối đi riêng cho người khuyết tật tại các khu du lịch, khách sạn; việc cùng nhau làm sạch môi trường quanh khu du lịch; hay nụ cười khi trả lại đồ thất lạc cho du khách… Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch cho các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch; khách du lịch; cán bộ, công chức, người lao động trong ngành du lịch; cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch. Đây là bộ quy tắc ứng xử đầu tiên về du lịch trên quy mô cả nước, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam văn minh, thân thiện, mến khách. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng cường chất lượng, tính chuyên nghiệp và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam.
Theo TRANG ANH/nhandan.com.vn