Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, sáng 8-10, áp thấp nhiệt đới đã đi vào Biển Ðông. Dự báo đến 13 giờ hôm nay (9-10), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) ở vào khoảng 17,3 độ vĩ bắc; 109,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh-Quảng Bình khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNÐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
* Do ảnh hưởng của ATNÐ, từ trưa nay (9-10), vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa từ 13 giờ ngày 9-10 đến 13 giờ ngày 10-10 phổ biến ở mức 100-150 mm, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi mưa lớn hơn 200 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, nhất là các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An), Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Ðức Thọ (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình); Ða Krông, Hướng Hóa, Hải Lăng (QuảngTrị). Ngập úng có khả năng xảy ra ở các khu đô thị, thành phố lớn như: TP Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), thị xã Ba Ðồn, TP Ðồng Hới (Quảng Bình), thị xã Quảng Trị, TP Ðông Hà (Quảng Trị), TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.
* Ðể chủ động ứng phó ATNÐ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 72/CÐ-TW, điện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Phú Yên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị liên quan thông báo cho chủ và các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của ATNÐ để chủ động di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và sẵn sàng các biện pháp phòng tránh phù hợp. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, các hồ chứa xung yếu, nhất là các hồ chứa nhỏ đã tích đầy nước do địa phương quản lý bảo đảm an toàn công trình và khu vực hạ du. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
* Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay, trong tổng số 702 hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ có 109 hồ chứa xung yếu, sáu hồ có cửa van điều tiết đang vận hành xả: Núi Cốc 100 m3/giây (Thái Nguyên); Vực Mấu 40 m3/giây (Nghệ An); Sông Quao 40 m3/giây, Lòng Sông 7 m3/giây (Bình Thuận); Ayun Hạ 107 m3/giây (Gia Lai); Buông Yông 8 m3/giây (Ðác Lắc).
* Theo Ðài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang lên theo triều. Tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang ở hơn mức báo động 3. Dự báo đến ngày 11-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 3,40 m; tại Châu Ðốc ở mức 3,00 m; tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn ở hơn mức báo động 3.
* Trước diễn biến đỉnh triều cường đang lên cao vượt mức báo động 3 (1,5 m), kết hợp mưa lớn có khả năng gây ngập lụt nhiều nơi, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Trung tâm Ðiều hành chương trình chống ngập nước thành phố rà soát, kiểm tra để có biện pháp bảo đảm an toàn trên các tuyến đường ngập sâu (cắm biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng, chuẩn bị lực lượng hướng dẫn...), nhằm tránh xảy ra tai nạn khi mưa lớn kết hợp triều cường.
Theo nhandan.com.vn