Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay cả nước ghi nhận hơn 70 nghìn người mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành phố. Hiện đang là cao điểm của dịch bệnh này, nhất là thời điểm hiện nay khi các trường vừa bắt đầu năm học mới, nguy cơ lây lan bệnh rất lớn. Do đó, Bộ Y tế đề nghị công tác phòng bệnh phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài và cần sự tham gia tích cực của cộng đồng, nhất là trong các trường học.
★ Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức lễ phát động chiến dịch "Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh TCM". Tại lễ phát động, Sở Y tế đề nghị, các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở thực hiện đồng bộ những biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện vệ sinh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà-phòng, dưới vòi nước chảy; vệ sinh ăn uống; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và theo dõi phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe trẻ em để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác...
★ Ðến thời điểm này, tỉnh Ðác Lắc đã ghi nhận gần 1.400 người mắc bệnh TCM ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn tình trạng bùng phát bệnh TCM trên địa bàn. Theo đó, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc, các cơ sở nuôi dạy trẻ thường xuyên lau dọn cũng như rửa bằng xà-phòng, khử trùng các vật dụng tiếp xúc với trẻ hằng ngày… Khi phát hiện trẻ bị bệnh TCM, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa cần đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, kiên quyết không tự ý điều trị hoặc không được mời thầy mo về cúng gây nguy hiểm đến tính mạng; đồng thời thực hiện các biện pháp tăng cường đủ chất dinh dưỡng; cách chăm sóc trẻ để hạn chế lây lan…
Theo PV và CTV/nhandan.com.vn