Hơn hai ngày qua, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản tại nhiều địa phương. Theo dự báo tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, trong khi một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tiến hành xả lũ, cho nên nguy cơ ngập úng ở hạ du rất cao, cần có biện pháp chủ động phòng, chống hiệu quả.
Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi trên sông ở Hòa Bình.
Trước tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang đã ban hành Quyết định công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, công bố tình trạng khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa, đường giao thông, các vị trí sạt lở đất ảnh hưởng do mưa lớn gồm các công trình đang xả tràn, có nguy cơ tràn qua thân đập, xuất hiện hư hỏng, sạt trượt...; các công trình đã xuất hiện hư hỏng sự cố từ trước, đặc biệt là các công trình đang chống lũ theo các phương án phòng, chống lụt bão; các công trình giao thông... Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh tập trung chỉ đạo ứng phó để giảm thấp nhất thiệt hại. Đặc biệt lưu ý TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn sẵn sàng chuẩn bị phương án sơ tán dân, không chủ quan khi xả lũ. Về giao thông, tuyệt đối không để người dân tự ý vượt ngầm tràn khi mưa lũ lớn, tăng cường lực lượng ứng trực và tập trung thực hiện các giải pháp xử lý tình hình hồ đập nguy cấp. Ứng cứu kịp thời đối với các vùng đang bị chia cắt, cô lập.
Sáng 11-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cùng các thành viên đoàn công tác trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống mưa lũ trên địa bàn huyện Lang Chánh. Tại hiện trường, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện Lang Chánh phân công thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện xuống cơ sở, chỉ đạo triển khai phương án ứng phó mưa lũ, cùng các địa phương rà soát lại các hộ sống trong vùng có nguy cơ cao về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo ngành giáo dục thông báo cho học sinh nghỉ học. Cùng với việc chỉ đạo các xã cử người canh gác tại các điểm giao thông bị ngập, chỉ cho các phương tiện đi qua khi bảo đảm an toàn, giao Bộ đội Biên phòng tỉnh làm đầu mối chỉ huy thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn hai cán bộ Biên phòng còn mất tích. Tổ chức chỉ huy lực lượng tìm kiếm cứu nạn dọc bờ sông, suối và phải chuẩn bị hậu cần, trang bị các phương tiện, thiết bị bảo hộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng và người dân tham gia tìm kiếm theo phương châm, lực lượng của đơn vị nào, đơn vị đó lo; khi nước rút mới tìm kiếm ở khu vực lòng suối. Bên cạnh đó, cán bộ, nhân dân huyện Lang Chánh tiếp tục chủ động phòng, chống mưa lũ, nỗ lực khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tại tỉnh Nghệ An, với phương châm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ, gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra tình hình sự cố hư hỏng các công trình đê điều, hồ đập và các thiệt hại khác do mưa lũ gây ra để chủ động đối phó theo phương án được duyệt. Hiện, hơn 500 hồ đập trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, giám đốc các công ty thủy lợi cử người thường trực hằng ngày kiểm tra phát hiện sự cố báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để có giải pháp xử lý kịp thời. Vận hành các công trình tiêu úng, trục tiêu, kênh tiêu, phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi để vận hành tiêu úng kịp thời cho khu vực đô thị cũng như khu vực dân cư và sản xuất nông nghiệp. Ngay trong mưa lũ, các lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An cùng công an tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ phối hợp địa phương tổ chức di dời 154 hộ dân với khoảng 600 người ra khỏi khu vực ngập lụt; trong đó, nhiều nhất là ở huyện Nghĩa Đàn có 96 hộ dân với 374 người được di dời; huyện Quỳnh Lưu với 35 hộ dân với 132 người...; Tiến hành hàn khẩu những đoạn đê, thân hồ đập xung yếu bị sạt lở hay hư hỏng nặng. Tại TP Vinh, cảnh sát cơ động và công an giao thông đã dùng xe chuyên dụng để vận chuyển xe máy qua các điểm ngập sâu và tổ chức phân luồng tránh các điểm tắc đường hay ngập nặng; các lực lượng thường trực cùng đoàn thanh niên tổ chức sơ tán người dân đến các nơi an toàn và giúp dân kê cao tài sản...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người chết, gia đình có nhà bị hư hỏng nặng, các gia đình chính sách, neo đơn. Các địa phương và cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích; đến nay đã tìm kiếm được ba người mất tích; đồng thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ trên địa bàn để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sửa chữa lại nhà cửa, thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường; khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát, nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp, và ổn định đời sống người dân.
Theo Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN
nhandan.com.vn