Mô hình bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai tại một số địa phương đang được đánh giá cao trong việc cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cho người dân ở các địa phương.
Đề án mô hình bác sĩ gia đình đã triển khai đạt nhiều kết quả tốt tại tám tỉnh, thành phố trên cả nước. Vừa qua, ngày 9-10, Bộ Y tế tiếp tục triển khai mô hình này tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Bốn bệnh viện tuyến Trung ương đã ký cam kết hỗ trợ về mặt chuyên môn, thực hiện đào tạo và cử các bác sĩ về hỗ trợ cơ sở y tế xã hai tuần một lần để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao hơn.
Theo đề án, các bệnh viện tuyến trên sẽ cử bác sĩ để thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân hai tuần một lần. Sau khi quản lý hồ sơ người bệnh tốt, tiến tới sẽ về khám một tháng một lần. Các chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ về mặt chuyên môn qua điện thoại khi cần thiết. Điều này, vừa góp phần tạo uy tín cho các trạm y tế xã cũng như góp phần chuyển giao đào tạo tại chỗ cho các địa phương.
Ở giai đoạn một dự án triển khai tại tám tỉnh, thành phố, mô hình bác sĩ gia đình tại huyện Sóc Sơn được triển khai ba năm qua có nhiều thành quả tốt đẹp. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã có 97,4% dân số đã được theo dõi sức khỏe thông qua phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân (324.149 người dân đã được lập phiếu quản lý).
Bên cạnh việc triển khai quản lý, tích hợp hồ sơ theo mô hình bác sĩ gia đình lồng ghép công tác khám chữa bệnh, lập hồ sơ quản lý tại hộ gia đình, Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thực hiện chuyển tuyến y học gia đình một số trường hợp bệnh nhân có nhu cầu lên các bệnh viện chuyên khoa, cũng như triển khai tư vấn sức khỏe qua điện thoại, chăm sóc người bệnh tại nhà, đồng thời nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân...
Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa cho biết, bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình là bác sĩ hướng về gia đình, biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Thứ trưởng Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: “Nhiều ý kiến cho rằng, không cần có trạm y tế xã khi đã có bệnh viện. Điều đó không đúng vì trạm y tế có chức năng riêng trong việc chăm sóc bà mẹ trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ môi trường. Còn thực tế, bệnh viện là môi trường đầy nguy cơ lây nhiễm bệnh. Quản lý bệnh mãn tính không cần bệnh viện”.
Theo đó, các phòng khám bác sĩ gia đình sẽ thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.
Với việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến y tế cơ sở như trạm y tế xã, bệnh viện tuyến huyện… sẽ giúp đầu tư chất lượng dịch vụ y tế cao hơn, tay nghề bác sĩ được nâng cao hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ chất lượng ở gần nơi mình sống nhất.
Sau khi triển khai tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Y tế cho biết, sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có quy trình triển khai mô hình bác sĩ gia đình nhanh hơn, vì thời gian triển khai vừa qua còn khá nhiều lúng túng.
Hiện nay hơn 80% dân số Việt Nam có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng nếu có thẻ mà dịch vụ cung cấp không đầy đủ thì thẻ không có ý nghĩa. Theo quan điểm của Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn thì “Phải đẩy nhanh tốc độ bao phủ dịch vụ y tế có chất lượng song song với bao phủ bảo hiểm y tế. Tốc độ bao phủ y tế không phải là vấn đề khó khăn nữa, quan trọng là bao phủ dịch vụ y tế”.
Theo TRẦN NGUYÊN/nhandan.com.vn