Để khỏe mạnh và sống lâu, người cao tuổi cần kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm một số bệnh cấp tính, kịp thời chữa trị tránh để bệnh nặng và biến chứng.
Người cao tuổi (NCT) hay còn gọi là người cao niên, người già là những người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên), có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách, đóng vai trò quan trọng trong gia đình, đã và đang cống hiến, đóng góp cho xã hội. Tuy vậy, NCT dễ lâm bệnh, từ bệnh thông thường đến bệnh nặng, nguy kịch...
Ở nước ta, theo quan niệm chung của xã hội và theo quy định của pháp luật, người từ 60 tuổi trở lên được gọi là NCT. Sở dĩ ở độ tuổi đó được cho là già bởi nhiều yếu tố, trong đó theo phong tục tập quán truyền thống, những người từ 60 tuổi đã hoàn thành một chu kỳ về mặt sinh học. Hơn nữa, điều kiện sống trước đây thiếu thốn về mặt tinh thần, vật chất, chế độ dinh dưỡng, y tế... nhưng vẫn sống được đến 60 tuổi và đã được coi là sống lâu. Ngày nay, điều kiện kinh tế phát triển, đời sống về tinh thần, vật chất được nâng cao hơn, bên cạnh đó chăm sóc y tế được chú ý nhiều, vì vậy tuổi thọ con người được tăng lên (tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73 tuổi). Tuy vậy, với thể trạng của người Việt Nam ở độ tuổi 60, đa số sức khỏe về thể chất và tinh thần đã giảm sút rất nhiều, mặc dù vẫn có thể thấy một số người trên 60 tuổi còn khoẻ mạnh nhưng không nhiều.
Sự lão hóa liên quan đến bệnh tật ở NCT
Tuổi cao, sức yếu và dễ mắc bệnh là do tuổi càng cao sự lão hóa các cơ quan, chức năng của cơ thể càng thể hiện rõ. Bởi vì, quá trình lão hóa là quá trình tất yếu của cơ thể sống. Tuy nhiên, lão hóa có thể đến sớm hay muộn còn tùy thuộc vào cơ thể và điều kiện sống (vật chất, tinh thần, sự chăm sóc…) của từng người. Khi tuổi già các đáp ứng kém nhanh nhạy, khả năng tự điều chỉnh và thích nghi cũng giảm dần, tất nhiên sức khỏe về thể chất và tinh thần sẽ giảm sút.
Về thể xác, trong giai đoạn này cơ thể bắt đầu có những thay đổi theo chiều hướng đi xuống, được biểu hiện như diện mạo thay đổi (tóc bạc, da có thêm nhiều nếp nhăn, da mồi, khô và thô hơn). Trên cơ thể, đầu và mặt xuất hiện mụn cơm nhiều hơn. Nếp nhăn ở NCT ngày một gia tăng là do lớp mỡ ở dưới lớp da ngày một mất đi cũng như do da không còn tính chất đàn hồi, bên cạnh đó có thể có các mạch máu mỏng vỡ ra, tạo thành các chất xanh đen nhỏ dưới da.
Bộ răng yếu hoặc rụng làm cho NCT ngại dùng các thức ăn cứng, khô, dai mặc dù biết rằng đó là các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng (vitamin, đạm và chất khoáng). Các cơ quan hoạt động hàng ngày như cảm giác, nghe, nhìn, nếm và ngửi (khứu giác) cùng với tuổi tác ngày càng cao, chúng dần dần hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nặng nề (điếc, rụng hết răng…).
Hậu quả của quá trình lão hóa này sẽ làm cho tiêu hóa và hấp thu kém, thậm chí dẫn đến suy dinh dưỡng ở NCT. Đồng thời các cơ quan nội tạng như tim là một cơ bắp có trình độ chuyên môn hóa cao cùng với tuổi tác cũng phải chịu những vấn đề tương tự như các cơ bắp khác của cơ thể (cơ nhũn, lực co bóp yếu dần…) làm xuất hiện một số bệnh của tim ở một số NCT như suy tim, tim bè ra...
Phổi của NCT thường làm việc ít hiệu quả hơn do hít không được sâu nên việc trao đổi oxy không tốt như lúc trẻ tuổi (lượng oxy hít vào ít, trong khi sự tồn đọng khí độc oxyd các bon lại gia tăng). Vì vậy, khả năng tự phòng vệ của tim, phổi và các cơ quan khác trong cơ thể cùng giảm sút. Từ sức khỏe giảm cho nên NCT thích nghi với các điều kiện thay đổi thời tiết chậm hơn, nhất là khi nóng, lạnh đột ngột cho nên dễ lâm bệnh.
Sự lão hóa cơ thể còn thể hiện rõ về khả năng tình dục suy giảm rõ rệt bởi sự thay đổi của nội tiết tố. Ham muốn tình dục ở người cao tuổi cũng giảm rõ rệt (ở nam giới ảnh hưởng đến cương dương, xuất tinh; ở nữ giới xuất hiện sự khô âm đạo, teo âm đạo…).
NCT cần được sống vui vẻ cùng con cháu.
Ở NCT, xương và khớp không còn linh hoạt, mềm dẻo, các cơ, dây chằng, sụn khớp dần dần yếu kém dẫn đến mọi cử động đều chậm chạp, vụng về, thậm chí đi lại khó khăn, một số bị còng lưng.
Về mặt tinh thần, NCT hay bị mệt mỏi, mọi hành vi, cử chỉ yêu đương gặp không ít khó khăn. Cùng với quá trình lão hóa, quá trình thay đổi về sinh lý, tâm lý con người trong giai đoạn cao tuổi cũng có rất nhiều vấn đề nổi bật. NCT có thể cảm thấy cô đơn, hướng về quá khứ, hay giận dỗi, chuyển từ trạng thái tích cực sang tiêu cực... Những vấn đề đó làm do tâm lý NCT có nhiều thay đổi (dễ mắc bệnh trầm cảm). Tuy vậy, khi tâm, sinh lý ổn định NCT sẽ thấy khỏe khoắn hơn, sẽ hoạt động nhiều hơn.
Đặc điểm bệnh tật
Trước hết phải khẳng định rằng già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Bởi vì, ở NCT bị giảm khả năng và hiệu lực các quá trình tự điều chỉnh thích nghi của cơ thể, giảm khả năng hấp thụ và dự trữ các chất dinh dưỡng. Đồng thời thường NCT có những rối loạn chuyển hóa, giảm phản ứng của cơ thể, nhất là giảm sức tự vệ đối với các yếu tố gây bệnh như nhiễm trùng, nhiễm độc, các stress. NCT thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc và bệnh thường bắt đầu không ồ ạt. Các dấu hiệu không rõ rệt cả về chủ quan cũng như khách quan nhưng nhanh chóng ảnh hưởng xấu đến toàn thân, dẫn đến suy kiệt nhanh chóng. Bệnh dễ chuyển nặng nếu không điều trị kịp thời, trong khi đó khả năng hồi phục bệnh ở NCT kém cho nên điều trị thường lâu ngày hơn và sau đó thường phải có một giai đoạn an dưỡng hoặc điều dưỡng.
Một số bệnh thường gặp
Đó là các bệnh khô miệng, sâu răng, bệnh nha chu, rụng răng, bệnh tim mạch và huyết áp (tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp), nhồi máu cơ tim, suy tim, loạn nhịp tim, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu, thiểu năng tuần hoàn não. Nhiều NCT mắc các bệnh về xương khớp, nhất là thoái hóa khớp (khớp cột sống, khớp gối, khớp vai, khớp ngón tay, bàn tay...), loãng xương, bệnh gút... Lúc thời tiết chuyển mùa NCT rất dễ mắc các bệnh về hô hấp (cảm sốt, viêm họng/mũi, cúm, viêm phế quản, viêm phổi...), tiếp đến là bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), giãn phế quản, khí phế thũng hoặc ung thư phổi… NCT dễ mắc các như bệnh dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, trĩ, túi thừa đại - trực tràng, viêm đại tràng co thắt, hội chứng ruột kích thích hoặc suy dinh dưỡng. Ngoài ra, NCT còn hay mắc các bệnh về ung bướu, bệnh thần kinh và các bệnh về sức khỏe tâm thần như chóng quên, lú lẫn, Alzheimer, bệnh teo não, trầm cảm hoặc dễ bị vấp, ngã...
Làm gì để sống thọ và có ích?
Khám bệnh định kỳ: Sống lâu nhưng phải khỏe mới có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Muốn vậy NCT cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ một mặt để phát hiện sớm một số bệnh cấp tính để kịp thời chữa trị tránh để bệnh nặng và biến chứng. Mặt khác được điều trị tiếp các bệnh mạn tính (nếu có). Đồng thời sẽ được bác sĩ khám bệnh tư vấn để yên tâm và tiếp tục điều trị, tránh mắc “bệnh tưởng” (không biết gì về bệnh và cho là nặng nên rất lo lắng).
Thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý: NCT nên ăn nhiều rau, trái cây, đủ chất và uống đủ nước (ngày khoảng 1,5 lít, uống thành nhiều lần, vào ban ngày). Mỗi bữa ăn không nên ăn no quá hoặc ít quá. NCT nên tránh những thức ăn, nước uống có nhiều chất kích thích như trà đặc, cà phê, rượu, bia, nước giải khát có gas. Bởi vì, những loại này sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ hoặc một số bệnh như tăng huyết áp, dạ dày... Ngoài ra, NCT chú ý giữ ấm cơ thể (không tắm nước lạnh, không ở phòng máy lạnh có nhiệt độ thấp, nên để nhiệt độ khoảng 26- 27 độ là vừa phải). Hàng ngày nếu có điều kiện nên ở phòng thoáng mát và nên tranh thủ ra ngoài trời hóng mát, đi dạo (không ra khi nắng, mưa, lạnh).
Vận động cơ thể tùy theo sức và điều kiện của mình: Các hoạt động vừa sức như đi lại trong nhà (nếu sức yếu), đi bộ (mỗi ngày khoảng 60 phút chia làm 2- 3 lần), bơi, chơi cầu lông… tùy theo sức mình không nên gắng. NCT nên thay đổi các hoạt động trong ngày để làm cho cơ thể trở nên khoan khoái, dễ chịu.
Để mở rộng môi trường giao tiếp, NCT nên tham gia một số công tác vừa sức với địa phương như gia nhập câu lạc bộ ngoài trời, đi tham quan du lịch… Trong gia đình cũng như với hàng xóm nên có quan điểm lượng thứ để cho không khí sinh hoạt luôn luôn vui vẻ, hòa đồng, tránh căng thẳng gây lo nghĩ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
ThS. BS. Bùi Mai Hương
Theo suckhoedoisong.vn