Huyện Yên Lạc vốn là vùng đất cổ không chỉ của Tỉnh Vĩnh Phúc mà còn là của đất nước Việt Nam với sự hiện hữu dấu ấn của người Việt tồn tại hàng ngàn năm, có nhiều tầng văn hóa tồn tại nối tiếp nhau, dày và phong phú. Yên Lạc cũng là vùng đất của địa linh, nhân kiệt, có nhiều di tích, huyền tích mang dấu ấn của thời kỳ đầu dựng nước, giữ nước như Di chỉ khảo cổ Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc, Đền Bắc Cung ở xã Tam Hồng, Đền Tranh ở xã Trung Nguyên, Đền Quan Trạng Phạm Công Bình ở xã Đồng Văn, cụm di tích Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn ở Thị trấn Yên Lạc … Mỗi một địa danh, mỗi một vùng đất đều gắn với một nhân vật lịch sử, một truyền thống tốt đẹp của quê hương, có tầm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đại đa số người dân trong một thời gian dài.
Đến với cụm di tích lịch sử Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn tọa lạc trên nền đất thuộc Thôn Vĩnh Mỗ xưa nay là Thị trấn Yên Lạc - Câu truyện về nhân vật lịch sử và những sự kiện liên quan đến Đức Thánh Nguyễn Khắc Khoan, vị tướng đã có công lớn với nhân dân địa phương, truyền thuyết Thập nhị sứ quân trong thời hậu Ngô và ngôi chùa cổ với Bảo tháp lớn, trưng bày nhiều xá lợi phật cùng biết bao báu vật của phật giáo tọa lạc trên núi Biện, bên dòng Sông Loan vẫn còn in đậm trong tâm trí của người dân nơi đây dù đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử và chất chứa trong đó là niềm tự hào về vùng đất mình được sinh ra với tầng sâu văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác.
Thị trấn Yên Lạc gồm có 4 làng gồm Vĩnh Tiên, Vĩnh Đoài, Vĩnh Trung và Vĩnh Đông, là trung tâm kinh tế - xã hội của huyện Yên Lạc, lại nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh Vĩnh Phúc, Thị trấn Yên Lạc được xác định có nhiều lợi thế trong việc giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa. Đặc biệt trong những năm gần đây, sự liên kết trong khai thác tiềm năng phát triển du lịch, các danh lam thắng cảnh nhằm phát huy các giá trị văn hóa tín ngưỡng, tâm linh giữa các địa phương và khu vực trong tỉnh đã dần tạo cho cụm di tích Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn và di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nằm sát bên đường Tỉnh lộ 303 thành điểm đến, điểm dừng chân tham quan, nghiên cứu của đông đảo du khách trên lộ trình tìm về với cội nguồn dân tộc.
Trong suốt chiều dài lịch sử, người dân Thị Trấn Yên Lạc đã bảo tồn, giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương. Đó là tinh hoa của nền văn nghệ dân gian, những làn điệu hát xoan, trống quân, chèo… Đó là lối sống “thuần phong, mỹ tục”, ăn quả nhớ người trồng cây, thương người như thể thương thân, tối lửa tắt đèn có nhau, tình làng nghĩa xóm chan hòa, thân ái . . . Đó là truyền thống hiếu học, học để làm người, học để giúp đời. Xưa nay đều thế, người dân Yên Lạc vẫn lao động cần cù, chắt chiu nuôi con ăn học, đóng góp cho quê hương, đất nước nhiều người học rộng, tài cao, đức cả, làm rạng rỡ quê hương. Chẳng thế mà Sông Loan - núi Biện đã không ít lần được sử sách ca ngợi:
Thơm nức dòng Loan, ngư dâng ngọc
Mạch về núi Biện, đất ngời thiêng
Và cũng tại nhà thờ họ Dương ở Minh Tân (tức Thị Trấn Yên Lạc) vẫn còn lưu đôi câu đối ca ngợi niềm tự hào về sông Loan, núi Biện cùng truyền thống khoa bảng:
Đẹp đẽ sông Loan khơi đường chảy
Chuông vang núi Biện có khoa nho.
Truyền thống văn hóa của người dân nơi đây còn được thể hiện ở những công trình kiến trúc đền, chùa, miếu. . . với lối kiến trúc độc đáo, đẹp đẽ như một phần minh chứng, ngợi ca đầu óc thông minh, sáng tạo, bàn tay tài hoa của bao thế hệ người lao động. Tuy nhiên, trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự xâm hại của thiên nhiên, đặc biệt là sự tàn phá của chiến tranh nên một phần hình ảnh về Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn bề thế, cổ kính và linh thiêng chỉ còn trong hoài niệm của lớp người cao tuổi.
Sự hiện hữu của Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn hôm nay là kết quả của sự đầu tư, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Ủy Đảng, Chính quyền địa phương, của sư thầy trụ trì chùa Biện Sơn Thích Minh Pháp, đặc biệt là sự hưng tâm công đức của nhân dân địa phương, những người con xa quê và du khách thập phương trong và ngoài huyện.
Chùa Biện Sơn, tọa lạc trên một gò đất cao rộng khoảng 14.939m2 xưa kia có tên là Độc Nhĩ, người dân địa phương hay gọi là Núi Biện với dáng quy xà hợp hình rất kì lạ. Những ai có dịp đến thăm Chùa Biện Sơn dù chỉ một lần, nay có dịp trở lại sẽ không khỏi bất ngờ bởi những thay đổi kì diệu. Theo nhiều sử sách còn ghi, vào năm Thành Thái thứ 16, Chùa đã được làm với kiến trúc kiểu chữ Môn. Do biến thiên của thời gian, ngôi chùa không còn giữ được kết cấu kiến trúc cổ ban đầu mà được trùng tu, tôn tạo theo kiểu chữ Đinh, kiểu kiến trúc mang đậm phong cách triều Nguyễn gồm 2 tòa bái đường và chính điện. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1996. Năm 2017, dựa trên những văn bản thỏa thuận và thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Quyết định số 3090 ngày 30/09/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt về việc bảo tồn, tu sửa, tôn tạo chùa Biện Sơn, UBND thị trấn Yên Lạc cùng đại Đức Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn đã long trọng tổ chức lễ động thổ tu sửa, tôn tạo lại ngôi chùa vào ngày 03/03, tức ngày mùng sáu tháng hai âm lịch. Ngôi chùa được tu bổ, tôn tạo trên nền chùa cũ theo kiến trúc kiểu chữ “Đinh” gồm tiền đường 5 gian 2 dĩ, thượng điện 3 gian, các bộ vì theo kiểu thức “chồng rường giá chiêng”.
Xung quanh ngôi chùa cảnh vật yên ả, hữu tình, dưới những cây cổ thụ nhiều năm tuổi bao phủ một màu xanh kì vĩ, khiến cho du khách khi có dịp về với Sông Loan – Núi Biện có cảm giác như đang lạc vào cõi tiên. Từ Tỉnh lộ 303 đi vào, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầu tiên của ngôi chùa, đó chính là Tam quan. Tam quan được thiết kế theo kiểu trùng diên ba tầng 12 mái và được trang trí hết sức cầu kì, tinh sảo. Từ Tam quan có con đường nhất chính đạo gồm các bậc đá được xây theo một triền dốc thoai thoải. Chùa được xây dựng theo thế nội công, ngoại quốc. Phía bên trái chùa là tòa bảo tháp 7 tầng cao hơn 30m được thiết kế rất độc đáo để thờ phật và lưu giữ, bảo quản các hiện vật quý hiếm của chùa. Trong khuôn viên chùa, có hai hành lang dài nối liền nhà tiền đường ở phía trước với nhà hậu đường ở phía sau làm thành một khu hình chữ nhật bao quanh lấy nhà tiêu hương. Chùa Biện Sơn gồm có đông đường, tây đường, giảng đường, khách đường, hội trường, tạo thành một hệ thống thánh đường Phật giáo hoàn chỉnh, khang trang và tôn nghiêm. Ngoài ra, trong chùa còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ là nơi thờ các vị sư từng trụ trì ở chùa nay đã viên tịch và nhà tăng, nơi ở của các nhà sư. Nằm ngay sau tòa thượng điện, chúng ta được chiêm ngưỡng một kiến trúc vô cùng độc đáo nữa, đó chính là tháp quay hay còn có tên gọi khác là cối kinh. Theo như lời đại đức Thích Minh Pháp, cối kinh của Chùa Biện Sơn được xây dựng dựa trên mô hình của Phật giáo Tây Tạng và có đặt 64 vị phật để bà con phật tử và chư tăng có thể vừa đi vừa quay, vừa cầu nguyện.
So với các ngôi chùa khác trong vùng, chùa Biện Sơn còn bảo lưu được một hệ thống tượng pháp hơn 40 pho và còn lưu giữ được nhiều bảo khí và cổ vật có giá trị. Các pho tượng ở đây được tạo tác rất đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy, chau chuốt tỷ mỷ, mang đậm phong cách tạo tác thời Lê. Điểm nổi bật trong công trình kiến trúc phật giáo ở chùa Biện Sơn là tòa Bảo tháp bằng đồng nguyên khối nặng 12 tấn, là một trong số Bảo tháp lớn nhất trong cả nước, lưu giữ nhiều xá lợi Phật, đặc biệt là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc xanh nguyên khối…
Cách đó không xa, nằm đối diện với chùa Biện Sơn, bên kia đường Tỉnh lộ 303, dưới những tán cây cổ thụ lâu năm, bao quanh là những ruộng lúa đang thì con gái chính là Đền Gia Loan. Theo như các cụ cao niên kể lại, Đền Gia Loan là nơi để thờ Nguyễn Khắc Khoan, một tướng của Ngô Vương Quyền (thế kỷ X) đã có công đánh giặc Nam Hán. Do được phân phong ở vùng Tam Đái nên đã phát triển kinh tế và lực lượng quân sự riêng, với thủ phủ trên gò Biện Sơn (còn có tên là Độc Nhĩ Sơn) và đóng đồn ở gò Đồng Đậu. Ông có hai tướng tài và hai người vợ đều tài giỏi. Ông sống gần gũi, chan hoà với dân, nghĩa tình thắm thiết. Ông luôn khuyến khích và chăm sóc nghề nông, lại chú ý tới việc canh tân tập tục nông thôn. Nhờ vậy mà nhân dân vùng Tam Đái được Thái Bình thịnh trị, ấm no vui vẻ: “Bức đại tự Vĩnh Khang Tiện Dân” (mãi mãi yên lành khoẻ mạnh cho mọi người dân) treo ở đền Gia Loan chính là để ca tụng công đức to lớn của ông đối với nhân dân vùng Tam Đái. Các triều đại sau này đều sắc phong ông là “Thượng đẳng phúc thần”.
Cũng giống như chùa Biện Sơn, Đền Gia Loan không chỉ là nơi thờ thành hoàng làng, nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương mà đây còn là một công trình có giá trị về kiến trúc, văn hóa và nghệ thuật điêu khắc. Đền được xây dựng trông về hướng Nam, phía con sông Gia Loan xưa. Được xây theo kiểu chữ Đinh, phía trước là một khoảng sân rộng hình bán nguyệt. Địa thế đất, lối kết cấu kiến trúc, rồi tổng thể di tích khiến cho ta cảm thấy Gia Loan như hoa trong không gian thiên nhiên rộng lớn. Toà tiền tế đền Gia Loan, mái lợp ngói mũi cổ rêu phong, phía trước xây 2 cột đồng trụ nhỏ, nối liền với tiền tế bởi 2 bức tường đắp phù điêu võ sĩ. Dù không bề thế về quy mô kiến trúc, song với 3 cửa ra vào (loại cửa 2 cánh) tiền tế đền Gia Loan có một nội thất thông thoáng. Lòng nhà gồm 3 gian; kích thước các gian không đều nhau, gian giữa rộng hơn, xây gian thờ làm nơi tế lễ, 2 gian nhỏ 2 bên cao hơn gian giữa là nơi tụ họp của dân làng. Hậu cung đền Gia Loan gồm 2 gian thờ có 2 cửa ra vào làm theo kiểu cửa vòm; lòng nhà hậu cung cao hơn tiền tế. Phần chính giữa hậu cung và tiền tế không tạo cửa mà để trống, xây ban thờ. Phía trong cửa vòm ở hai bên hậu cung là 2 ban thờ của Nguyễn Khắc Khoan…
Với những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa và cấu trúc nghệ thuật năm 1996, Đền Gia Loan được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và được coi là một trong những Tối Linh Từ (Đền linh thiêng bậc nhất).
Được biết năm 1997, ngay sau khi Đền Gia Loan và Chùa Biện Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp Quốc gia, cấp ủy, chính quyền Thị trấn Yên Lạc đã tổ chức lễ hội truyền thống Chùa trong dịp đầu xuân để tưởng nhớ đến công lao của thành hoàng làng Nguyễn Khắc Khoan. Dân làng đã tổ chức tập luyện và tiến hành lễ tế đúng với nghi thức truyền thống. Tổ chức rước kiệu, rước bằng, múa lân và các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đặc sắc.
Xuân Qúy Tỵ năm 2013 nhằm tái hiện lại hào khí của Hội đánh cá và lễ tiệc Yến ẩm của tướng Nguyễn Khắc Khoan xưa ngay tại nơi núi Biện - Sông Loan này, đồng thời khôi phục lại lễ hội truyền thống của địa phương cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây đã tổ chức lễ hội Sông Loan- Núi Biện. Việc tổ chức thành công lễ hội truyền thống năm 2013 đã mở đầu cho sự thành công của lễ hội Đền Gia Loan - Chùa Biện Sơn xuân Đinh Dậu 2017, đem lại sự khích lệ động viên to lớn đối với nhân dân địa phương và du khách, phật tử gần xa.
Với lối kiến trúc vừa cổ kính, vừa hiện đại, Đền Gia Loan và Biện Sơn tự đang trở thành điểm tham quan, điểm du lịch tín ngưỡng, tâm linh hấp dẫn của huyện Yên Lạc nói riêng, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung.
ST