Đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt phải có mô hình và cơ chế đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chiều 26/10, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trước khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự án Luật tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị có kết luận tại Thông báo số 21 về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và đồng ý chủ trương xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Hiện Chính phủ đã chọn 3 khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là những khu kinh tế đặc biệt với những chính sách và cơ chế đặc biệt để phát triển.
Theo phân tích, 3 đặc khu kinh tế có thể đạt mức thu nhập lên đến 12.000 USD - 13.000 USD/năm, tương đương 23 - 25 triệu đồng/tháng.
Hiện Việt Nam có 17 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu, cả nước có 328 khu công nghiệp được thành lập… Các khu kinh tế đã thu hút được 153 tỷ USD, chiếm 52% đăng ký đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 42%, xuất khẩu bằng 52%, thu hút khoảng 3 triệu lao động.
Tuy nhiên, việc phát triển các khu kinh tế vẫn còn sự khác nhau giữa mục tiêu và hướng phát triển ngành, thể chế chưa có nhiều vượt trội, thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, nhiều đầu mối…
Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trở thành các vùng động lực tăng trưởng cho đất nước, điều tiên quyết là phải có mô hình và cơ chế đột phá, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, kiểm toán được lợi ích của các nhà đầu tư và tạo sự lan tỏa cho cả nền kinh tế.
“Khi so sánh 9 tiêu chí về môi trường đầu tư kinh doanh, ưu đãi, giải quyết tranh chấp, cơ chế phát triển kết cấu hạ tầng, các dịch vụ hỗ trợ các nhà đầu tư, người dân; giải quyết tranh chấp về lao động, giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh, về xuất nhập cảnh, ngoại hối… thì thấy rằng, các chính sách quy định theo 9 nhóm như vậy hầu hết là cao hơn và thuận lợi hơn so với 80 quốc gia.
Ngoài tính cạnh tranh như vậy, trong luật, các cơ chế này, các ưu đãi cao nhất cũng chỉ tập trung cho một số ngành, lĩnh vực, ví dụ như tập trung vào những dự án gắn với nguồn vốn đầu tư quy định tại các phụ lục áp dụng đối với từng đặc khu riêng”, ông Trần Duy Đông cho biết.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được các đại biểu cho ý kiến vào những vấn đề đang được đặt ra, tạo hướng mở nhưng chặt chẽ, để thực sự tạo cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN - Trung tâm tin