Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thủy sản (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Phạm Minh Chính phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Cân nhắc mô hình tổ chức cơ quan kiểm ngư
Tại phiên thảo luận, nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề cơ quan Kiểm ngư. Theo đó, điều 89 dự thảo Luật quy định: “Hệ thống Kiểm ngư gồm Kiểm ngư Trung ương và Kiểm ngư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương; giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.”
Các đại biểu đánh giá, hiện nay tình trạng vi phạm trong khai thác thủy sản trên biển đang diễn ra hết sức phức tạp, không chỉ ở vùng lộng mà còn ở cả vùng ven bờ, xuất hiện nhiều hình thức đánh bắt hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Do vậy, việc thành lập Kiểm ngư rung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển là cần thiết.
Theo đó, kiểm ngư trung ương hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật về thủy sản, bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi; kiểm ngư địa phương thực thi pháp luật về thủy sản ở vùng lộng, ven bờ đồng thời, việc xây dựng, củng cố lực lượng kiểm ngư cũng là để đáp ứng được yêu cầu của Liên minh châu Âu (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) về việc cần có hệ thống bộ máy kiểm soát đủ mạnh, bảo đảm ngăn chặn được các hành vi khai thác bất hợp pháp.
Đồng tình với phương án thành lập hệ thống kiểm ngư như trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhấn mạnh, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư trên biển còn quá mỏng, lực lượng thanh tra chuyên ngành hoạt động chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí, chưa ngăn chặn được tình trạng khai thác, vận chuyển nguồn lợi thủy sản. Do đó, cần có lực lượng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và phối hợp với các lực lượng khác để hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, kiểm ngư địa phương nên thành lập trên cơ sở chuyển đổi và cơ cấu lại lực lượng thanh tra chuyên ngành ở địa phương nhằm đảm bảo bộ máy không tăng biên chế.
Hình chỉ mang tính minh họa. (Ảnh: TTXVN)
Khẳng định việc thành lập lực lượng kiểm ngư là cần thiết, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mô hình tổ chức của cơ quan kiểm ngư có quy định ngay trong Luật hay không thì phải thực hiện tổng kết, nghiên cứu báo cáo hoạt động của kiểm ngư trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu quan điểm Dự thảo Luật chỉ nên quy định có lực lượng kiểm ngư, còn hệ thống tổ chức, chế độ chính sách nên giao cho Chính phủ quy định; đồng thời làm rõ những nơi có lực lượng kiểm ngư thì cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành về thủy sản có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật Thanh tra nữa hay không.
Tán thành với quan điểm này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, phải tổng kết lại hoạt động của kiểm ngư, trên cơ sở đó tiến hành tổ chức lại hệ thống, đảm bảo sự thống nhất, gọn nhẹ, đồng thời không chồng chéo.
Đại biểu Phạm Minh Chính chỉ rõ, theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nguyên tắc là một người có thể làm nhiều việc. Vì thế, nếu đã có kiểm ngư của Trung ương, lại thêm kiểm ngư ở địa phương thì bộ máy sẽ ngày càng phình to.
“Khi đã thành lập tổ chức thì phải có cơ chế vận hành. Có bộ máy vận hành phải có con người, cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động,.. Cứ như thế thì bộ máy của chúng ta bao giờ mới cắt giảm được?” đại biểu Phạm Minh Chính phân tích.
Cần thiết có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản
Qua thảo luận, đa số ý kiến thống nhất việc quy định nội dung về chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản và cho rằng dự thảo Luật đã thể hiện được những nội dung cơ bản mà Nhà nước cần quan tâm trong hoạt động thủy sản. Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn các chính sách về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng; về đầu tư hệ thống giám sát, cảnh báo dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, cảnh báo vi phạm ngư trường khai thác; về đầu tư tàu vỏ thép công suất lớn, trang thiết bị hiện đại cho đánh bắt xa bờ, phát triển mô hình tổ, đội khai thác thủy sản trên biển và hỗ trợ nuôi trên biển, đặc biệt là nuôi công nghiệp, ở vùng biển xa bờ và hải đảo; về hỗ trợ ngư dân nâng cao kiến thức, kỹ thuật trong việc nuôi trồng, đánh bắt và bảo quản thủy sản…
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) khẳng định, việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm cho tàu đánh cá khai thác xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản, bảo hiểm cho thuyền viên,.. quy định tại điều 6 dự thảo Luật có ý nghĩa lớn đối với chiến lược phát triển kinh tế biển kết hợp với quốc phòng, an ninh.
Đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển dài ngày để tăng cường sự hiện diện dân sự, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc cũng như kết hợp chặt chẽ với phục vụ quốc phòng, an ninh. Nội dung này cũng phù hợp Khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật về nguyên tắc hoạt động về thuỷ sản.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) khẳng định, chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm trong nuôi trồng thủy sản, tàu khai thác thủy sản, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ là cần thiết và ý nghĩa, vì nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản xa bờ có tính rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên. Việc triển khai chính sách bảo hiểm sẽ góp phần hỗ trợ ngư dân bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, biển đảo đất nước, huy động nguồn lực xã hội đồng góp phần chia sẻ trách nhiệm xử lý rủi ro với người dân.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, cần xây dựng lộ trình phù hợp với quá trình phát triển kinh tế đất nước và ngân sách quốc gia để đảm bảo tính khả thi của Luật. Vì vậy, tại Khoản 2 Điều 6 về chính sách hỗ trợ, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để triển khai vì đây là quy định mở, phụ thuộc vào từng thời kỳ và ngân sách Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, các nội dung về giao, cho thuê đất, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; về thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản... cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến./.
Theo PHAN PHƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/them-kiem-ngu-o-dia-phuong-thi-bo-may-se-ngay-cang-phinh-to/472629.vnp