Thời gian gần đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) liên tiếp triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng cao dịp cuối năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH cải thiện rõ nét, cho thấy dòng vốn đang ngày càng được hấp thụ tích cực trong nền kinh tế.
Khách hàng tìm hiểu thủ tục vay vốn tại chi nhánh Ngân hàng SHB. Ảnh: THÚY ANH
Mở cửa đón “mùa” tín dụng
Các doanh nghiệp (DN) đang bước vào mùa cao điểm sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm, cần một lượng vốn lớn để thanh toán các đơn hàng, chi trả cho mùa vụ,… Nắm bắt nhu cầu khách quan này, cùng với yêu cầu đạt mức tăng trưởng cả năm 21% theo định hướng của Chính phủ, thời gian gần đây, nhiều NHTM đã dồn dập tung ra các gói tín dụng, chương trình ưu đãi cho DN, từ ưu đãi lãi suất đến đơn giản hóa thủ tục vay vốn, gia tăng tiện ích dịch vụ, sản phẩm,…
Nhằm hỗ trợ DN nhỏ và vừa bổ sung nguồn vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh và cán đích mục tiêu năm 2017 thành công, mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã dành gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để triển khai hai chương trình: “Tiếp sức thành công” và “Tài trợ nhanh theo khu vực” với mức lãi suất vay ưu đãi từ 6,5%/năm. Theo đó, với chương trình “Tiếp sức thành công”, sẽ có 17 ngành nghề được ưu tiên cho vay như: thuốc, hóa dược, dược liệu; cao-su, nhựa, phân bón, hóa chất; điện tử, máy vi tính quang học, thiết bị viễn thông;… Chương trình “Tài trợ nhanh theo khu vực” lại tập trung cấp vốn cho các ngành kinh tế ưu tiên dựa trên kết quả khảo sát đặc điểm kinh tế - xã hội vùng… “Mức lãi suất 6,5%/năm là phù hợp để các DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay và bổ sung tài chính cho các kế hoạch phát triển kinh doanh từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết. SHB còn tư vấn nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ khách hàng sử dụng nguồn vốn vay một cách hiệu quả”, Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) từ tháng 9 cũng triển khai gói sản phẩm Smart và VIP nhằm tiết kiệm chi phí dành cho các DN. Đối tượng hưởng ưu đãi bao gồm các khách hàng lần đầu mở tài khoản thanh toán và khách hàng hiện hữu đang sử dụng tài khoản thanh toán tại SeABank. Với gói tài khoản này, DN sẽ được SeABank miễn nhiều loại phí như phí chuyển tiền trong hệ thống, phí chuyển tiền đi ngoài hệ thống với mức dưới 500 triệu đồng,… Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng vừa tung ra chương trình ưu đãi các DN có hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại trong nước với lãi suất từ 7%/năm, tổng hạn mức chương trình lên đến 3.000 tỷ đồng…
Tăng tốc giải ngân vốn
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, chín tháng năm 2017, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với DN nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so cuối năm 2016. Dù đạt được tốc độ tăng khá tích cực như vậy, nhưng để hoàn thành mốc 21% như định hướng của Chính phủ, các NHTM tăng tốc. Cùng với hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất như nêu trên, các NHTM “bắt tay” với DN để tìm tiếng nói chung, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn. Cụ thể, chỉ tính riêng trong chín tháng qua, thông qua chương trình kết nối NH-DN, đã có hơn 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa hai bên được tổ chức. Qua đó, các NH cam kết cho vay các DN mới gần 570 nghìn tỷ đồng, và đã giải ngân hơn 550 nghìn tỷ đồng cho khách hàng DN; số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các NH áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho DN với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực, nhưng không phải lúc nào giữa NH với DN cũng tìm được tiếng nói chung. Theo chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, DN luôn cần vốn và NH luôn cần khách hàng, nhưng thực tế, DN vẫn khó tiếp cận vốn vay, trong khi NH lại khó cho vay. Theo Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế VAG Hoàng Xuân Hải, DN chuyên sản xuất, xuất khẩu các loại khăn bông, DN đã gặp gỡ với trên dưới năm NH để tìm hiểu vay vốn nhưng vẫn chưa tiếp cận được. Không ít nhân viên NH cũng đã đến tìm hiểu về DN, tư vấn cho vay. Nhưng với điều kiện của DN hiện nay: nhà xưởng đi thuê, xe đi thuê, không có tài sản thế chấp... vì thế NH nào cũng từ chối cho vay.
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để nguồn vốn có thể giải ngân được nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, nhất là đang bước vào mùa vụ cao điểm sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm như thế này, cả hệ thống NHTM cũng như cộng đồng DN cần không ngừng nỗ lực, tìm tiếng nói chung nhằm tiếp tục khơi thông dòng vốn.
Bên cạnh mở rộng tín dụng cho DN vừa và nhỏ, các NHTM cần có cơ chế và biện pháp kỹ thuật thích hợp để giám sát việc sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất. Cùng với đó, các DN cũng phải báo cáo định kỳ cho NH về các chỉ tiêu tài chính cơ bản liên quan sử dụng vốn vay. Điều này vừa giúp cho NH quản lý nợ có hiệu quả, đồng thời cũng giúp DN quản lý vốn vay và tài chính hữu hiệu, tránh những sai lầm đáng tiếc. Muốn vậy, các cán bộ tín dụng của các NHTM cần có kế hoạch bám sát hoạt động của DN, kịp thời phát hiện những rủi ro để có thể chấn chỉnh và kiến nghị giải quyết xử lý. Đây có thể coi là sự hỗ trợ lớn nhất của NH đối với DN trong bối cảnh nhiều DN vừa và nhỏ còn “bóc ngắn cắn dài”, thông tin tài chính kém minh bạch.
(TS LÊ XUÂN NGHĨA Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia)
Theo HỒNG ANH /nhandan.com.vn