Cập nhật: 09/11/2017 14:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bão số 12 là cơn bão mạnh, đổ bộ vào đất liền tại khu vực nam Phú Yên – bắc Khánh Hòa, phạm vi ảnh hưởng rộng, gây gió giật ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên kèm theo gây mưa lớn tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Ngay sau bão là đợt lũ lớn gây ngập lụt và thiệt hại nặng nề về người và tài sản nhân dân. Nhằm nhanh chóng ổn định đời sống người dân vùng bị thiên tai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết không để người dân thiếu lương thực, nước uống, lâm vào cảnh màn trời, chiếu đất…

Bão mạnh, thiệt hại lớn

Xác định đây là cơn bão rất nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại lớn về người và tàu thuyền, ngay trước khi bão đổ bộ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT), ban chỉ huy PCTT các bộ, ngành đã tập trung chỉ đạo và triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó. Các tỉnh ven biển đã kêu gọi, hướng dẫn tránh trú, neo đậu an toàn cho 62.714 tàu (301.004 lao động) và 3.277 lồng bè (9.362 người) biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 12 để chủ động phòng, tránh; sơ tán 8.516 hộ (35.168 người) tại các vùng có nguy cơ cao, nhà không bảo đảm đến nơi an toàn. Tuy nhiên, thiệt hại do bão số 12 gây ra đối với các tỉnh nam Trung Bộ là vô cùng lớn. Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, bão số 12 đã làm 82 người chết, 26 người mất tích, 1.486 căn nhà sập, đổ và khoangr nghìn nhà hư hại, tốc mái; nhiều diện tích lúa, rau mầu, lồng bè nuôi trồng thủy sản mất trắng; các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống lưới điện thiệt hại đáng kể.

Trong các tỉnh Nam Trung Bộ, Khánh Hòa là địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Tại hội nghị trực tuyến khắc phục hậu quả bão số 12, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết, bão đã làm 27 người chết, năm người mất tích; ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 7.000 tỷ đồng. Gần 1.000 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; gần 100 nghìn nhà hư hỏng, tốc mái, 1.141 tàu, thuyền bị chìm và hàng trăm nghìn gia cầm bị lũ cuốn trôi. Hiện, Khánh Hòa đang khẩn trương khắc phục bão lũ, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bố trí nơi ở cho những gia đình bị mất nhà cửa, hư hỏng nặng, đồng thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết để người dân không bị đói, rét.

Tại tỉnh Quảng Nam, mưa, lũ do ảnh hưởng của bão làm 10 người chết, 10 người mất tích. Ước tính thiệt hại về tài sản ban đầu khoảng 300 tỷ đồng. Một số hồ thủy điện đang phải xả lũ, gây ngập lụt trên diện rộng, nhất là tại phố cổ Hội An. Tại tỉnh Phú Yên, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt cho biết, đây là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay đổ bộ vào địa phương này. Mặc dù tỉnh đã khẩn trương, quyết liệt di dân, kêu gọi tầu thuyền cập bến đến nơi an toàn, tuy nhiên, những hậu quả do bão gây ra khiến hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng… Trước mắt, tỉnh đề nghị Thủ tướng chính phủ hỗ trợ 320 tỷ đồng và 300 tấn gạo để giúp đỡ người dân bị thiệt hại nặng nề; khắc phục các sự cố về điện, giao thông.

Tại tỉnh Bình Định, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, liên quan đến tám tàu vận tải ở phao số 0 bị chìm, lúc đó, trên tàu được xác định có 84 thuyền viên. Hiện, tỉnh đã huy động cứu được 71 thuyền viên; tìm thấy 10 thi thể. Vấn đề khó khăn nhất của tỉnh hiện nay là ngăn chặn sự cố tràn dầu do các tàu vận tải chìm. Tỉnh đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cử đoàn chuyên gia giúp địa phương khắc phục sự cố tràn dầu, làm sạch môi trường ở bãi biển Quy Nhơn.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn do bão số 12 gây ra, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, một phần do chính quyền địa phương chủ quan, chưa quyết liệt, thiếu kinh nghiệm ứng phó. Thực tế cho thấy, các địa phương thực hiện phương án di dân ra khỏi nơi an toàn không sát với thực tế mưa bão. Các phương án phòng, chống thiên tai, nhất là với bão mạnh không sát thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra. Lực lượng, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chưa phù hợp, dẫn đến khi gặp sự cố không phát huy hiệu quả.

Không đề người dân đói, rét

Nhằm khắc phục nhanh hậu quả bão số 12, ổn định cuộc sống người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải quyết liệt, đồng bộ, để người dân không bị đói, phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất và sớm trở lại cuộc sống bình thường. Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định giải quyết một lượng gạo cần thiết cho các địa phương bị thiệt hại; trong đó, tỉnh bị thiệt nặng sẽ được hỗ trợ 500 tấn gạo, tỉnh bị thiệt hại nhẹ được hỗ trợ 100 tấn. Đồng thời, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề là: Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Quân khu 5 dừng huấn luyện, điều động bộ đội tham gia cùng địa phương khắc phục hậu quả bão lũ. Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Quốc phòng thông tin, Bộ đã huy động 22 nghìn bộ đội chủ lực, hơn 100 tàu tham gia ứng cứu, khắc phục thiệt hại trong và sau bão.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình hình mưa do ảnh hưởng của bão số 12 có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, thông tin dự báo được phát đi là chính xác. Trong tháng này, dự báo, sẽ còn xuất hiện một đợt áp thấp nhiệt đới nữa, vì thế, các địa phương cần phải chủ động đối phó mưa, lũ. Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT yêu cầu các địa phương, người dân tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước; kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng ngập lụt và hạ du các hồ chứa khi có cảnh báo xả lũ, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương tổ chức ổn định các mặt về đời sống, sản xuất, nhất là dọn vệ sinh môi trường, tránh phát sinh dịch bệnh; chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.

 

Theo TIẾN ĐẠT/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm