Cập nhật: 11/11/2017 10:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền khi có đặc khu kinh tế.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Phát biểu tại phiên họp tổ chiều 10/11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong rằng, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bày tỏ quan điểm tán thành phương án 1 nêu trong dự án Luật mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội.

Theo phương án này, chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Trưởng Khu hành chính.

Chính quyền địa phương tại ba đơn vị HCKTĐB không phải là cấp chính quyền địa phương. Không tổ chức HĐND và UBND tại ba đơn vị HCKTĐB.

Tại phiên thảo luận, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu lên các vấn đề cần phải lưu ý khi thực hiện xây dựng các đặc khu kinh tế, trong đó có cam kết cải cách mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo; chính sách ưu đãi riêng biệt và trao quyền tự chủ cao; hỗ trợ của Chính phủ; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới việc phát triển kỹ thuật công nghệ cao kết nối với các ngành nghề của địa phương. Xây dựng và nuôi dưỡng môi trường văn hóa sáng tạo, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh giữa các đặc khu kinh tế ở trong nước và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần tận dụng ưu thế, cơ hội và lợi thế cạnh tranh, điều kiện khác biệt, phù hợp với chiến lược của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nêu rõ: Đây là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ, mà lại có vượt trội. Phải có quyết tâm chính trị cao, hành động của chính quyền quyết liệt hiệu quả thì mới làm được.

Bên cạnh nhiều nước thành công cũng có những quốc gia đã thất bại, ông Phạm Minh Chính dẫn chứng thất bại ở Ấn Độ do quá nhiều đặc khu và nguồn lực hạn chế, phân tán. Còn 1 số nước Châu Phi cũng thất bại do không có luật và cơ chế chính sách rõ ràng.

Các đại biểu Quốc hội khác như bà Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), ông Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận), ông Giàng A Chu (đoàn Yên Bái), ông Trần Thanh Mẫn (đoàn Cần Thơ) lưu ý tới việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các đặc khu kinh tế; sự thay đổi về chất, bộ máy tinh gon, hiệu quả; đề cao vai trò của người đứng đầu.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, tránh lạm quyền. Phải quan tâm tới quy hoạch, từ quy hoạch định hướng phát triển, không gian phát triển, tránh phá vỡ cảnh quan môi trưởng thiên nhiên.

Bên cạnh đó, cần chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các đặc khu kinh tế, đồng thời có cơ chế thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt ưu tiên cho nhân lực tại chỗ./.

Dự Luật Đơn vị kành chính - kinh tế đặc biệt gồm 70 điều đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 10/11, và sẽ thảo luận vào ngày 22/11 tới. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua dự án luật này tại Kỳ họp thứ 5 vào năm 2018./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Tệp đính kèm