Đầu tư cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần tập trung cho các doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia cần kết nối với khu vực và toàn cầu.
Chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao - Ảnh minh họa
Một trong những yếu tố góp phần vào sự thành công mạnh mẽ của năm quốc gia khởi nghiệp 2016 đó chính là những nỗ lực, cam kết và hành động mạnh mẽ của Chính phủ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp trong suốt một năm qua.
Từ những lời nói của người đứng đầu Chính phủ cho đến những chính sách, nghị định được ban hành đều đã tạo ra một môi trường thuận lợi, bước đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Vai trò kiến tạo của Nhà nước
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển như Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phá sản (sửa đổi), Luật Hải quan (sửa đổi)…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định: Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và một phần của hoạt động sản xuất thử nghiệm. Đồng thời, Nhà nước cũng giữ vai trò kiến tạo, tạo môi trường thuận lợi thông qua các chính sách ưu đãi thuế, nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư.
Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đưa ra những nhóm giải pháp rất cụ thể về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu có được ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Chính phủ cũng cam kết mạnh mẽ là luôn đồng hành và phục vụ doanh nghiệp nói chung, cộng đồng Start-up nói riêng.
Cùng với đó, Chính phủ cũng đã xây dựng Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) và giao cho Bộ KH&CN chủ trì. Với sự quyết tâm chính trị cao nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự khởi sắc của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đề án được xây dựng trên quan điểm chính sách vĩ mô cần tác động toàn diện tới các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia không thể bỏ qua vai trò của trường đại học. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến lực lượng sinh viên - đầu vào đầy tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.
Để bắt kịp với xu hướng phát triển, các trường đại học Việt Nam cần tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hình thành các vườn ươm, đơn vị thúc đẩy kinh doanh; dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên.
Không hỗ trợ dàn trải
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Nguyễn Phi Long, văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là một yếu tố cấu thành quan trọng của một hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh. Vì vậy, việc hình thành và nuôi dưỡng văn hóa đổi mới sáng tạo từ trong nhà trường, gia đình và xã hội đối với thanh niên rất cần thiết. Ông Nguyễn Phi Long cho rằng, người trẻ cần dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn và theo đuổi các giấc mơ nghề nghiệp lớn, cần nuôi dưỡng văn hóa dám đương đầu với rủi ro, thách thức và bao dung với sự thất bại.
Đề cập đến vấn đề đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, yêu cầu đối với chính sách cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đó là không đầu tư dàn trải, không hỗ trợ chung chung mang tính phong trào. Bên cạnh đó, sẽ có lộ trình chiến lược kết hợp các giải pháp chính sách ngắn hạn và dài hạn. Đặc biệt, sự đầu tư sẽ tập trung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao trong một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế hoặc phát triển sản phẩm, dịch vụ mang thế mạnh riêng có của vùng, miền, quốc gia.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn thiết kế hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc đầu tiên là tạo hành lang pháp lý, các vấn đề của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã dần được đưa vào nội dung của Luật Đầu tư, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ ... Hiện nay, có thể nói, chính sách cho từng nhóm đối tượng khởi nghiệp cũng đã có.
Cụ thể: đối với thanh niên, có Chương trình Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, với người nông dân có Chương trình Nông thôn miền núi. Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp như hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ, hỗ trợ hình doanh nghiệp KH&CN... Có thể nói, chính sách đang dần hoàn thiện trong cho từng nhóm đối tượng. Cơ hội khởi nghiệp đến với tất cả mọi người miễn có đam mê, dám đối mặt với rủi ro.
Theo Thu Cúc/Chinhphu.vn