Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ghi nhận sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trong việc hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ (CSTT); Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam lọt Top 30 của thế giới; Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực"; Bloomberg đánh giá VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á;… Ðó là những đánh giá khách quan, tích cực của các tổ chức quốc tế về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng trong thời gian qua.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Ảnh: TRẦN VIỆT
Giảm lãi suất, "nắn" dòng tín dụng
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, NHNN đã thể hiện sự kiên định trong điều hành CSTT theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, qua đó đã đạt được những kết quả khá toàn diện.
Trong 10 tháng qua, NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để kiểm soát các chỉ tiêu tiền tệ phù hợp mục tiêu điều hành. Ðến ngày 20-10, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 11,11% so với cuối năm 2016 (tăng 15,15% so cùng kỳ 2016), tiếp tục hỗ trợ kiểm soát lạm phát ổn định ở mức thấp, trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh. Thanh khoản của tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm, dư thừa ở mức hợp lý để hỗ trợ tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm và tăng đều qua các tháng, từ đó góp phần ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, đồng thời hỗ trợ Bộ Tài chính phát hành thành công trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài và lãi suất thấp.
Ðối với tín dụng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các chính sách, giải pháp về tín dụng của NHNN là khá rõ nét, vừa cung ứng vốn hiệu quả phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, vừa bảo đảm chất lượng tín dụng trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Dòng vốn được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghệ cao… Ðến ngày 20-10, tín dụng tăng 12,69% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao hơn so với các năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,81% và cùng kỳ năm 2015 tăng 12,03%).
Ðiều đáng nói, trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2018 của WB vừa được công bố cuối tháng 10-2017, chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2016, chỉ số này đã tăng năm điểm và cải thiện ba bậc. Như vậy, chỉ số Tiếp cận tín dụng đã đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Về điều hành lãi suất, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm mặc dù có sức ép tăng trong sáu tháng đầu năm 2017. Theo đó, từ ngày 10-7, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5 đến 1%/năm; giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung, dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội; áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4 đến 5%/năm. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức: ngắn hạn 6 đến 6,5%/năm, trung, và dài hạn 9 đến 10,5%/năm; đối với sản xuất, kinh doanh thông thường, khoảng 6,8 đến 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 đến 11%/năm đối với trung, dài hạn.
Ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ
Cùng với điều hành tín dụng và lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ duy trì được sự ổn định. Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cơ chế tỷ giá trung tâm đã thể hiện được sự linh hoạt, phù hợp diễn biến của thị trường, có khả năng hấp thu tốt các biến động bên ngoài, giúp duy trì được sự ổn định giá trị của VND. Thực tế cho thấy, tỷ giá và thị trường ngoại tệ từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD mua ròng ngoại tệ từ khách hàng; các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân về ngoại tệ đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.
Sự ổn định của tỷ giá và thị trường ngoại tệ đã được Bloomberg đánh giá cao. Qua số liệu trên biểu đồ tỷ giá từ đầu năm đến nay cho thấy, tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng hơn 1%. Ðây là mức ổn định nếu so với nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, qua đó đưa VND trở thành một trong những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á trong năm nay.
Ngoài ra, mới đây, trong báo cáo đánh giá về triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam ban hành ngày 31-10, Moody’s đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ "ổn định" lên "tích cực". Tại báo cáo này, Moody’s đã xếp hạng tín nhiệm cho 15 ngân hàng Việt Nam (các ngân hàng này chiếm gần 58% tổng tài sản của toàn hệ thống tính đến ngày 30-6); trong đó có ba ngân hàng thương mại nhà nước và 12 ngân hàng thương mại cổ phần thuộc sở hữu tư nhân.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, những kết quả đạt được trong điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng đã góp phần quan trọng vào kết quả kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý trong 10 tháng năm 2017. Sự ghi nhận và nâng mức triển vọng của các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng góp phần củng cố và gia tăng niềm tin của thị trường tài chính toàn cầu và cộng đồng đầu tư vào Việt Nam cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo MINH PHƯƠNG/nhandan.com.vn