Tăng mỡ máu là một bệnh thường gặp ở người trưởng thành, nhất là người cao tuổi, bệnh có thể gây biến chứng tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ…
Rối loạn mỡ máu dễ dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa trong lòng mạch máu.
Điều trị tăng mỡ máu có thể dùng các loại thuốc hạ mỡ máu, trong đó có statin thường được sử dụng, tuy nhiên cần dùng kịp thời, đúng chỉ định của bác sĩ tim mạch, nếu không thuốc sẽ để lại một số bất lợi cho người dùng.
Đặc tính của statin
Statin nằm trong một nhóm thuốc có đuôi là statin như atorvastatin, simvastatin, lovastatin, fluvastatin, pravastatin… Nhóm thuốc statin có tác dụng kìm hãm sản xuất cholesterol bằng cách ức chế enzym chủ chốt HMGCoA reductase, làm giảm cholesterol toàn phần, giảm LDL-C xấu (low density lipoprotein-cholesterol: cholesterol có tỷ trọng thấp), làm tăng HDL-C tốt (high density lipoprotein-cholesterol: cholesterol có tỷ trọng cao) và giảm triglycerid. Cholesterol là chất mỡ cơ thể cần để hoạt động, do gan sản xuất ra và có trong thức ăn như thịt, trứng, sản phẩm sữa, bơ, và mỡ lợn. Cholesterol có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể. Khoảng 60 - 70% cholesterol được vận chuyển đi khắp cơ thể nhờ những lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL). Tuy nhiên, việc sản sinh quá mức LDL có thể gây tắc động mạch do chúng bám vào thành mạch máu. Ngược lại, lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) đảm nhận chức năng vận chuyển 20 - 30% cholesterol. Sở dĩ HDL được gọi là cholesterol “tốt” bởi vì nó giúp loại bỏ LDL cholesterol “xấu”. Vì vậy, khi có rối loạn mỡ máu, statin được sử dụng để điều trị cho người tăng cholesterol máu và tiếp tục điều trị ngay cả khi lượng cholesterol máu đã trở về bình thường nhằm mục đích dự phòng tiên phát các biến cố mạch vành (nhằm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, giảm nguy cơ tử vong do tim mạch).
Ngoài ra, thuốc statin còn được sử dụng điều trị cho người đã bị xơ vữa động mạch (nhằm làm chậm sự tiến triển xơ vữa, giảm nguy cơ các biến cố mạch vành) và dự phòng xơ vữa động mạch.
Một số tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ) của statin
Tuy có nhiều đặc tính quan trọng như trên khi sử dụng statin vẫn có thể gặp một số tác dụng phụ.
Trong các nghiên cứu lớn có đối chiếu giả dược, tần suất của các tác dụng không mong muốn là tương đương với giả dược khoảng từ 2 - 3%. Một số trường hợp có thể gặp nhức đầu, đau nhức chân tay, viêm gân gót chân, đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, mệt mỏi, mất ngủ, phát ban, chuột rút (vọp bẻ). Một số tác giả cho rằng nếu dùng statin liều cao, lâu dài có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường, tổn thương gan (men gan tăng cao) hoặc đục thủy tinh thể, giảm trí nhớ.
Mặc dù hiếm nhưng những tác dụng phụ khác như tiêu cơ vân (hiện nay, không có phương pháp điều trị đặc hiệu các tổn thương cơ do nhóm statin ngoại trừ việc ngưng dùng thuốc). Để phát hiện sớm tổn thương cơ do nhóm statin, cần xét nghiệm nồng độ men cơ trước khi dùng thuốc và kiểm tra lại khi bệnh nhân có biểu hiện đau cơ, cần theo dõi định kỳ nồng độ men cơ.
Suy thận cấp và tử vong đã được ghi nhận khi sử dụng statin. Sự xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng này thường liên quan với việc sử dụng cùng với thuốc hạ mỡ máu nhóm fibrate hoặc thuốc chống nấm (các dẫn xuất azole), cyclosporine hoặc các kháng sinh nhóm macrolid (như erythromycin…).
Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm độc cơ vân bởi statin bao gồm: tuổi cao, nhẹ cân, sau phẫu thuật, có nhiều bệnh đi kèm. Vì vậy, một số người bệnh do lo ngại về tác dụng phụ trong khi đang được chỉ định của bác sĩ cho điều trị statin đã tự động giảm liều hoặc ngừng thuốc làm cho bệnh không đạt kết quả như mong muốn, mặt khác gây nguy hiểm cho người bệnh, nhất là bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh tim mạch. Do đó, hiện nay các chuyên gia tim mạch đã có khuyến cáo với người tăng mỡ máu cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi dùng statin, bởi xét một cách toàn diện những ích lợi khi sử dụng statin cho người tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch vượt xa những nguy cơ tác dụng phụ do statin gây ra.
Nên làm gì để giảm tác dụng phụ khi dùng statin?
Người bệnh không tự ý dùng statin để điều trị và khi được bác sĩ chỉ định dùng statin điều trị lâu dài để dự phòng các biến cố tim mạch, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc. Người đang có bệnh gan tiến triển, suy gan, xơ gan, bệnh về đường mật (sỏi, viêm, tắc mật…) không dùng statin. Những người nghiện rượu, bia hết sức thận trọng khi dùng statin. Cần kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý nhằm giảm mỡ máu (không ăn thịt đỏ, tôm, mỡ, phủ tạng động vật…). Nên xét nghiệm chức năng gan theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Phụ nữ có thai không nên dùng thuốc điều trị mỡ máu trong thai kỳ, bởi vì, cholesterol rất cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, nếu dùng thuốc điều trị mỡ máu trong thời gian này có thể gây quái thai. Đối với phụ nữ đang muốn có thai, phải ngưng sử dụng các thuốc điều trị mỡ máu, đặc biệt là nhóm thuốc statin.
BS. Bùi Mai Hương
Theo suckhoedoisong.vn