Cập nhật: 21/11/2017 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tinh giản vài ba công chức, viên chức “quèn” không hoàn thành nhiệm vụ đã rất khó thì cán bộ lãnh đạo yếu kém sao tinh giản được?

 

Một Đại biểu HĐND vừa chơi game vừa bấm nút biểu quyết.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quyết tâm thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị. Để thực hiện mục tiêu này, một trong các nhiệm vụ Chính phủ ưu tiên thực hiện là rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…

Hơn 10 năm qua, công cuộc tinh giản biên chế của chúng ta chưa thành công khi các con số được Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy bộ máy càng tinh giản lại càng phình to. Thành tích tinh giản lại chỉ tập trung vào đối tượng nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc nghỉ chế độ. Các nhiệm vụ liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế giao cho các Bộ, ngành, địa phương liên tục bị khất lần khiến cho công tác này rơi vào bế tắc. Điều dư luận quan tâm là tinh giản vài ba lao động hợp đồng, công chức viên chức “quèn” không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm là việc đã khó, còn với những người là lãnh đạo không có năng lực liệu có đơn giản? Lâu nay, nhiều người tư duy, cứ có chỗ ngồi, ghế lãnh đạo trong một cơ quan là “ấm chân” không lo bị mất việc.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến tình trạng chạy chức, chạy quyền nên một số kẻ kém về năng lực, đạo đức lại giữ các vị trí lãnh đạo. Họ tồn tại trong hệ thống không phải do tài năng hay thiếu nhân lực trầm trọng mà do “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”. Đây chính là lực lượng cản phá lớn nhất đối với việc cải cách năng lực của toàn hệ thống. Họ - những người được giao các trọng trách nhờ quan hệ thân hữu, liệu có phải là đối tượng chính trong việc tinh giản biên chế hay không? Bởi ở những vị trí then chốt, nếu con người không năng lực chuyên môn, sự nhạy bén trước tình hình thì không thể đưa ra các quyết sách đúng đắn, không điều hành, sử dụng lao động đúng với sở trường chuyên môn, thậm chí còn là mầm mống của sự chia rẽ bè phái trong nội bộ.

Không ít lần trên nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội công khai nói về tình trạng “lạm phát cấp phó” ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ở các bộ, ngành, địa phương. Có những đơn vị chỉ có lãnh đạo, người làm quản lý mà không có chuyên viên, người thực thi. Cán bộ quản lý vẽ ra việc và tự mình thực thi, nhưng thu nhập của họ được tăng thêm nhờ vào phần phụ cấp chức vụ và những bổng lộc khác đem lại. Và thực tế đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương phải “tự gọt chân mình” nhưng trước đó phải có sự vào cuộc rất rầm rộ của các ngành chức năng, của báo chí và công luận.

Để tăng hiệu quả hoạt động của bộ máy, ngoài việc tinh giản biên chế còn phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển chính phủ điện tử sẽ hạn chế những thói nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, cố tình làm sai của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thời gian qua, cả tinh giản biên chế và phát triển chính phủ điện tử đều diễn ra rất chậm chạp. Có lẽ vì vẫn còn nhiều cán bộ quản lý sợ việc công  khai, minh bạch trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ lộ ra rất nhiều thứ mà từ trước tới nay những người chấp hành chưa thực hiện nghiêm. Đặc biệt, năng lực của cán bộ khi xử lý công việc sẽ thể hiện rõ nhất khi tham gia vào hệ thống.

Cải cách hành chính có hiệu quả hay không phải bắt nguồn từ những người đứng đầu. Người đứng đầu, những người làm công tác quản lý có sát sao, mẫu mực, có trình độ, năng lực, dám chịu trách nhiệm… thì mới thúc đẩy được tiến trình này. Còn như hiện nay, theo đánh giá của Thủ tướng, nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Tệp đính kèm