Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện quy định tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn. Thay vào đó, địa phương khuyến khích ngư dân đóng mới tàu cá bằng vỏ thép hoặc composite vì mục tiêu phát triển đội tàu khai thác xa bờ theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc hạn chế đóng mới tiến đến “xóa” tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đang gặp không ít khó khăn, do tập quán khai thác thủy sản lâu đời của bà con ngư dân vẫn là tàu đánh bắt vỏ gỗ.
Tàu Gia Hân 02, chiếc tàu vỏ thép đầu tiên được đóng mới theo Nghị định 67/CP của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Nâng cao hiệu quả khai thác
Được hạ thủy và đưa vào sử dụng tháng 12- 2016, sau tám tháng hoàn thiện các thủ tục vay vốn, thi công, đến nay, sau 10 chuyến đi biển, tàu cá vỏ composite hành nghề lưới rê mang số hiệu BV 94979- TS, công suất máy 822 mã lực, của anh Nguyễn Văn Đài, tổ 7, ấp Lò Vôi, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đang hoạt động tốt, cho hiệu quả khai thác cao. Anh Đài cho biết, so với các tàu khác, tàu vỏ compsite có nhiều ưu điểm, như: thân tàu cứng, chịu sóng gió tốt, độ an toàn đi biển cao; thiết kế có nhiều khoang phao nên nếu có tai nạn xảy ra, tàu khó bị chìm hơn. Tàu vỏ composite sử dụng máy có công suất lớn nên chạy nhanh hơn tàu vỏ gỗ khoảng 2,7 hải lý/giờ. Thiết kế hầm đá diện tích lớn, hệ thống giữ nhiệt tốt nên mỗi chuyến đi biển thường kéo dài trung binhg từ 25 đến 30 ngày. So với tàu vỏ gỗ, nếu không có tàu dịch vụ hậu cần hỗ trợ, thì chỉ sau khoảng 20 ngày là phải quay về bờ. Nhờ đó, trung bình mỗi chuyến đi biển, trừ tất cả chi phí, con tàu vỏ composite này mang về cho anh nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả khai thác thủy hải sản từ tàu vỏ composite, anh Đài tiếp tục làm thủ tục vay vốn, khởi công đóng mới chiếc tàu composite thứ hai vào tháng 5 vừa qua, dự kiến sẽ hạ thủy, đi vào khai thác tháng 12 năm nay. Anh phấn khởi cho biết: “Tàu vỏ composite hiệu quả khai thác rất cao so với tàu vỏ gỗ. Bên cạnh đó, tàu này cũng tiết kiệm được nhiều chi phí sửa chữa, vận hành. Việc quyết định đóng mới chiếc thứ hai cho thấy hiệu quả rõ rệt của tàu vỏ composite trong đánh bắt xa bờ hiện nay”.
Theo các ngư dân, tàu vỏ thép, composite khi đưa vào khai thác thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu vỏ gỗ về tốc độ di chuyển và an toàn khi đi biển. Bên cạnh đó, các tính năng về khai thác và bảo quản sản phẩm cũng cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể tuổi thọ của tàu vỏ thép, composite chắc chắn sẽ cao hơn tàu vỏ gỗ.
Nhờ ưu thế vượt trội về độ an toàn, chắc chắn, các tàu sắt, vỏ composite ngoài nhiệm vụ khai thác thủy hải sản còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt trên biển bởi khả năng cứu nạn, cứu hộ trong điều kiện thời tiết xấu. Ông Nguyễn Thành Trung, chủ tàu BV96688TS xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, một trong số ngư dân đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sở hữu tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67/CP chia sẻ về lần cứu hộ thành công tàu BV BV92954TS và ngư lưới cụ có tổng trị giá hơn 3,4 tỷ đồng trong chuyến biển cuối năm 2016. Ông Trung cho biết: “Tôi là chủ tàu, khi nghe thuyền trưởng báo có ghe gỗ gặp nạn, tôi nói anh em phải cố gắng cứu người. Nói chung, nghề đi biển thì tấm lòng dành cho nhau là trên hết. Hôm nay tàu của anh em, bạn bè bị nạn nhưng ngày mai rất có thể là chính tàu của mình. Tàu mình tàu vỏ thép, chắc chắn hơn nên việc cứu nạn, cứu hộ cũng thuận lợi hơn rất nhiều”.
Hiện đại hóa đội tàu đánh bắt
Nằm trong chương trình hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, ngày 14-11-2016, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có công văn số 9917 chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tạm dừng đóng mới tàu cá vỏ gỗ từ ngày 1-1-2017. Thay vào đó, địa phương khuyến khích ngư dân đóng tàu cá bằng vỏ thép hoặc composite.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Văn Cường cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân và các cơ sở đóng tàu trên địa bàn tỉnh hướng chuyển đổi từ đóng tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép, composite và vật liệu mới phù hợp. Tuy nhiên, do truyền thống khai thác tàu vỏ gỗ đã tồn tại qua nhiều thế hệ nên việc vận động bà con ngư dân chuyển sang đóng tàu vỏ thép, vỏ composite không dễ dàng chút nào.
Tàu vỏ thép, vỏ composite có khả năng cấp đông cao sẽ bảo đảm được thời gian đi biển dài ngày cũng như chất lượng của thủy hải sản sau đánh bắt.
Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng đánh bắt bằng tàu gỗ nhưng thực tế cho thấy, tàu gỗ hầm đá nhỏ, khả năng giữ nhiệt lại không cao, nên chất lượng hải sản sau đánh bắt thường không đạt yêu cầu. Nay chuyển sang tàu sắt thấy hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, tập quán khai thác thủy hải sản của ngư dân Bà Rịa- Vũng Tàu nói riêng và cả nước nói chung đều đã gắn bó nhiều đời với tàu cá vỏ gỗ nên việc chuyển đổi sẽ rất khó khăn và không thể ngày một ngày hai thực hiện được”.
Thực tế cho thấy, tàu vỏ gỗ thường có công suất nhỏ, khả năng đi biển ngắn ngày, hiệu quả kinh tế không cao so với tàu vỏ thép, vỏ composite. Đặc biệt, các tàu dịch vụ hậu cần trên biển nếu sử dụng tàu vỏ thép, vỏ composite, với khả năng cấp đông cao sẽ bảo đảm được thời gian đi biển dài ngày cũng như chất lượng của thủy hải sản sau đánh bắt, đáp ứng được nhu cầu chế biến và xuất khẩu sau này. Bên cạnh đó, việc dừng đóng mới tàu gỗ cũng sẽ hạn chế được tình trạng phá rừng và thiếu hụt nguồn gỗ trong đóng mới và sửa chữa tàu vỏ gỗ hiện nay.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến thời điểm hiện nay các ụ tàu trên địa bàn tỉnh cơ bản chấp hành nghiêm chỉ thị tạm ngừng đóng tàu vỏ gỗ của UBND tỉnh. Tại các ụ tàu còn một số tàu gỗ vẫn đang đóng là bởi các tàu này có giấy phép trước khi văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh có hiệu lực. Tuy nhiên, theo quy hoạch phát triển khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản của địa phương đến năm 2020 đã được phê duyệt, lượng tàu cá vỏ gỗ của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải giảm xuống còn 5.000 chiếc. Thế nhưng, đến cuối tháng 11-2017, tổng số tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 6.300 chiếc, trong đó có hơn 3.100 tàu đánh bắt xa bờ, có công suất trên 90CV. Như vậy, theo tính toán, trong hai năm 2018 và 2019, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải giảm hơn 1.300 tàu vỏ gỗ để phù hợp với quy hoạch đã đề ra. Đây thật sự là bài toán nan giải đối với địa phương khi thời gian để triển khai thực hiện không còn nhiều trong khi tâm lý ngại chuyển đổi vẫn tồn tại trong tâm lý của không ít bà con ngư dân.
Việc dừng đóng tàu cá vỏ gỗ nhằm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ là một chủ trương đúng, không chỉ giúp ngư dân vươn xa bám biển, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Để hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, vỏ composite, triển khai thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ, cùng với các chính sách chung của cả nước, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con ngư dân, nhất là các chính sách về vốn, kỹ thuật-công nghệ…
Tỉnh đã có quyết định phê duyệt cho 237 tổ chức, cá nhân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá và vay vốn lưu động, với tổng dự toán 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân có kinh nghiệm, để chủ trương hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ của Bà Rịa-Vũng Tàu sớm trở thành hiện thực, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của địa phương hiện nay không phải là khả năng thu xếp vốn hay công nghệ đóng tàu mà chính là việc tổ chức tuyên truyền, vận động bà con ngư dân thay đổi thói quen, tập quán đánh bắt với tàu vỏ gỗ đã tồn tại từ rất nhiều đời nay.
Bài, ảnh: ANH TUẤN - THANH NGA
Theo nhandan.com.vn