Cập nhật: 29/11/2017 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tọa lạc uy nghi trên vùng gò cao núi Biện, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc), ngôi đại bảo tháp chùa Biện Sơn tạo điểm nhấn cho toàn bộ cảnh quan di tích bởi kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Không chỉ biểu trưng cho kiến trúc Phật giáo, ngôi bảo tháp chứa đựng những tinh hoa văn hóa của vùng quê Yên Lạc.

Theo Phật học, tháp là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn, trên nhỏ để thờ xá-lị của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ tát, Duyên giác, A-la-hán; hoặc để táng di cốt của các bậc hành đạo trong các ngôi chùa.

Đại đức Thích Minh Pháp, trụ trì chùa Biện Sơn cho biết: "Ngôi bảo tháp của chùa có kiến trúc đặc biệt hơn so với các ngôi tháp Phật giáo khác. Thông thường, các ngôi tháp có kiến trúc “Thượng thu hạ thách” (dưới to, trên thu nhỏ dần), song, tháp Biện Sơn lại phình to ở giữa, thu nhỏ ở trên, tạo dáng thế theo hình đòng đòng (bông lúa non). Không chỉ riêng tháp, những chiếc cột chùa cũng có hình dáng này".

Kiến trúc thân tháp được thiết kế theo hình dáng đòng đòng nhằm biểu trưng cho vùng quê lúa Yên Lạc, gửi gắm mong ước mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no, đầy đủ. Xung quanh ngôi tháp chính là 4 ngôi tháp nhỏ từ dưới đất mọc lên tượng trưng cho 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Các tháp này có hình dáng giống phần ngọn của ngôi tháp chính. Nhờ có những ngôi tháp nhỏ, ngôi tháp chính dù lồng lộng, uy nghi song không hề trơ trọi, đơn độc. Các ngôi tháp biểu trưng cho hình ảnh “Đội bùn cây lúa mọc lên” trong một bài thơ của Đại đức Thích Minh Pháp.

Tháp Biện Sơn được khởi công xây dựng, tu bổ lại vào đúng ngày Phật đản (Rằm tháng 4 âm lịch) năm 2014 và được hoàn thiện sau 3 năm. Tháp có chiều cao 63m, kim tháp cao 6m, gồm 13 tầng chính và 1 tầng hầm. Tầng hầm và tầng trệt cao 5m, tầng 13 cao hơn 10m, các tầng giữa cao 1,6m.

Nền móng của tháp có hình lục giác đều, tạo sự vững chãi, chắc chắn cho ngôi tháp. Tháp được xây dựng dựa trên 2 chất liệu chủ yếu là gạch nung và đá xanh. Theo Đại đức Thích Minh Pháp, những gì tự nhiên thường tồn tại vĩnh cửu, do đó, màu sắc của ngôi tháp được giữ theo màu sắc tự nhiên của gạch và đá. Trên thân tháp không có hoa văn, không đắp vẽ chi tiết.

Tầng hầm của tháp là 1 bảo tàng tượng Phật nhỏ, gồm các ngôi tượng Phật, pháp khí và cổ vật có niên đại lâu đời. Các pho tượng ở đây được tạo tác rất đẹp, sơn son thếp vàng lộng lẫy, chau chuốt tỉ mỉ. Ở tầng trệt thờ pho tượng Phật Đại Nhật Như Lai bằng ngọc cao hơn 3m. Tầng 2 thờ 5 pho tượng Kim Cương. Tầng 12 đặt một quả đại hồng chung nặng 4 tạ. Trên tầng 13 thờ pho tượng Phật Đại Nhật Như Lai bằng đồng cao 2,7m, nặng 1 tấn. Các tầng trên để trống, là nơi du khách thập phương đứng quan sát, ngắm nhìn toàn cảnh chùa Biện Sơn và thị trấn Yên Lạc từ trên cao.

Chùa Biện Sơn được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1996. Di tích chứa đựng tổng hợp các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tâm linh. Đến chùa, du khách được hòa mình giữa không gian của cõi Phật uy nghiêm, thanh tịnh, được thưởng thức nét tinh tế của phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chiêm bái nghệ thuật tạc tượng thời Lê. Giữa cảnh quan thanh tịnh, tươi đẹp của ngôi chùa, bảo tháp Biện Sơn nổi lên như một công trình kiến trúc đồ sộ, thể hiện sự tinh hoa của Phật giáo và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngày nay, chùa Biện Sơn trở thành điểm dừng chân, tham quan, nghiên cứu của đông đảo du khách trên lộ trình tìm về với cội nguồn dân tộc, là nơi diễn ra lễ hội sông Loan - núi Biện đậm đà bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách, phật tử gần xa về chiêm bái, thưởng ngoạn.

ST

Tệp đính kèm