Cập nhật: 29/11/2017 10:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo cho rằng, cần có cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam để tiện kết nối với khối FDI.

Phát biểu tại Hội thảo Liên kết trong phát triển ngành công nghiệp điện tử ở Việt Nam ngày 28/11, tại Hà Nội, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo nhấn mạnh sự cần thiết phải có dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam để khi các doanh nghiệp nước ngoài vào họ có thể kết nối được ngay.

Năng suất lao động của người Việt tương đương Hàn Quốc

Ông Bang Hyun Woo cho biết, hiện các nhà đầu tư nước ngoài không biết doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang làm gì, có trình độ như thế nào.

“Các doanh nghiệp FDI cần biết DN Việt có công nghệ gì, quy mô ra sao, có thế mạnh gì, có sản phẩm dịch vụ gì. Nếu có hồ sơ về vấn đề này sẽ giúp ích cho doanh nghiệp nước ngoài trong việc hỗ trợ, kết nối với DN Việt”, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam nêu rõ.

 

Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Bang Hyun Woo

Ông Bang Hyun Woo cũng gợi ý, các cơ quan Chính phủ, hiệp hội hoặc tổ chức tư nhân xây dựng cơ sở dữ liệu này để cung cấp cho doanh nghiệp FDI khi họ vào Việt Nam.

Đánh giá về năng suất lao động của người Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho hay: "Năng suất lao động của người Việt Nam không hề thấp. Khi so sánh với người Hàn Quốc cũng đạt tầm 99%, gần như tương đương. Ở công ty khác thì chúng tôi không biết nhưng ở Samsung thì là như vậy".

Theo ông Bang Hyun Woo, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm điện thoại di động Samsung đã đạt mức 57%. Hiện nay, có 29 doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp trực tiếp cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những linh phụ kiện tinh vi hơn, thay vì chỉ làm bao bì và đóng gói.

Tại hội thảo, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đánh giá cao sự hỗ trợ và kết nối hiệu quả của doanh nghiệp FDI như Samsung.

Bà Hương cho rằng, doanh nghiệp FDI hiện nay đã cởi mở hơn so với thời kỳ mới đầu tư vào Việt Nam. Thông qua những buổi triển lãm, hỗ trợ,... doanh nghiệp nội đã hiểu hơn về đối tác, biết được linh kiện mà các đối tác FDI đang cần.

Khó làm từ A-Z, hãy tham gia một phần trong chuỗi

Theo đánh giá của bà Hương, sự liên kết giữa DN nội và FDI đang khởi sắc, nhưng vẫn còn lỏng lẻo, cần nỗ lực từ hai phía. Bản thân các DN Việt cũng phải nỗ lực, nâng cao năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội kết nối, tham gia chuỗi. Phần lớn doanh nghiệp nội vẫn chủ yếu tham gia vào các công đoạn lắp ráp, cung cấp dịch vụ và linh kiện đơn giản nên giá trị gia tăng thấp, thiếu sức cạnh tranh hoặc thiếu định hướng chiến lược rõ ràng.

 

Liên kết giữa DN Việt và khối FDI còn yếu (Ảnh minh họa: KT)

Mặc dù vậy, bà Hương cũng thừa nhận, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực điện tử đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó có thể đầu tư vào dây chuyền sản xuất để đáp ứng những yêu cầu cao của doanh nghiệp FDI. Do đó, bà Hương cho rằng, các bộ ngành cần nỗ lực rất lớn và bố trí nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của DN nội.

Ông Cao Bảo Anh, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung hỗ trợ phát triển ngành điện tử, bám sát nhu cầu thế giới và huy động các nguồn lực cho tăng trưởng. Nên thực hiện theo hướng đa dạng hóa, kết hợp giữa vốn quốc tế và vốn trong nước.

Đặc biệt, cần vận động doanh nghiệp nước ngoài chủ động chuyển giao công nghệ hiện đại cho đối tác Việt Nam, kể cả kinh nghiệm, cách làm phù hợp để tiệm cận, làm chủ tình hình trong bối cảnh hội nhập. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp nội có thể hình thành thương hiệu, tiến tới tham gia rộng rãi hơn vào mạng cung ứng trên thị trường toàn cầu, ông Cao Bảo Anh lưu ý.

Tổng Giám đốc Công ty Hanel Nguyễn Đình Vinh cho rằng, cần phải thay đổi cách làm, không thể giống như thời đầu chỉ đi lắp ráp. Hiện nay, cần phải xây dựng theo mô hình mới để liên kết trong một chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Tổng Giám đốc Công ty Hanel Nguyễn Đình Vinh

Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh: “Để làm được từ A tới Z cần phải có sự đồng bộ trong tất cả các khâu, từ máy móc, công nghệ cho tới tay nghề của người lao động. Điều này rất khó đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Chính vì thế, theo Tổng Giám đốc Công ty Hanel, DN Việt nên tham gia một phần chuyên sâu trong chuỗi, đáp ứng tốt nhu cầu về công nghiệp hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, từ năm 2015 đến nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN.

Dự kiến, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu điện tử sẽ vượt ngưỡng 70 tỷ USD, trong đó 95% kim ngạch xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo bà Tuệ Anh, kim ngạch xuất khẩu của ngành điện tử đạt những kết quả ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nhà xuất khẩu công nghiệp điện tử lớn của thế giới, nhưng đáng tiếc là chủ lực xuất khẩu điện tử vẫn là các DN ngoại, còn các DN trong nước chỉ đang lắp ráp, gia công.

Trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 với trị giá hơn 34 tỷ USD thì các DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 99,8%./.

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Tệp đính kèm