Cập nhật: 04/12/2017 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động. Tuy chưa tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất nói chung, nhưng động thái này cũng khiến không ít người dân, doanh nghiệp vay vốn lo lắng về việc lãi suất cho vay có thể sẽ tăng theo.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank.

Quan sát diễn biến lãi suất trên thị trường trong thời gian gần đây, có thể thấy, không chỉ tại các ngân hàng nhỏ, mà biểu lãi suất huy động của các ngân hàng lớn cũng có những cập nhật trái chiều. Trong đó, xu hướng điều chỉnh tăng chiếm ưu thế. Cụ thể, trừ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) điều chỉnh giảm 0,1% lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, thì hầu hết các ngân hàng khác đều điều chỉnh theo hướng ngược lại. Thí dụ, tại Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank), khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng được hưởng mức lãi suất 7,7%/năm; riêng các khách hàng VIP còn được ưu đãi cộng thêm biên độ lãi suất 0,1%/năm. Ngoài ra, các kỳ hạn một tháng, ba tháng và sáu tháng cũng được điều chỉnh tăng lãi suất lên mức tương ứng là 5,15%/năm, 5,5%/năm và 6,5%/năm. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng biểu lãi suất huy động kỳ hạn một tháng và hai tháng là 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ; các khoản tiền gửi kỳ hạn 364 ngày trở lên áp dụng mức lãi suất từ 6,8 đến 6,9%/năm…

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất huy động đầu vào của các ngân hàng thường tăng vào dịp cuối năm. Bởi theo thông lệ, đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa để phục vụ Tết Nguyên đán, đẩy nhu cầu vốn tăng cao. Từ đó, các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn, thu hút tiền gửi để có nguồn cho vay, đáp ứng nhu cầu “tín dụng mùa vụ”. Theo lý giải của chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến trái chiều của lãi suất huy động trên thị trường như thời gian gần đây có thể xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau. Một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất tiền gửi để cơ cấu lại nguồn vốn; trong khi, có thể do nhu cầu cho vay cuối năm lớn, cho nên một số ngân hàng tăng cường hút vốn.

Trong bối cảnh lãi suất huy động “rục rịch” tăng, kỳ vọng lãi suất cho vay giảm tiếp càng trở nên khó thực hiện. Càng tới thời điểm cuối năm, lạm phát và tỷ giá càng có khả năng chịu nhiều áp lực, khiến các ngân hàng khó giảm lãi suất đầu vào.

Tuy nhiên, khảo sát trên thị trường, đến thời điểm này có thể thấy dấu hiệu tăng lãi suất cho vay chưa xuất hiện. Phân tích trong báo cáo của mình, đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra nhận định: Dù lãi suất tăng trong tuần qua nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn ở mức thấp, cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn ở trạng thái tích cực. “Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã hút ròng hơn 15.800 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) và tín phiếu, NHNN đã hút ròng 15.820,7 tỷ đồng từ thị trường. Điều này cho thấy thanh khoản hệ thống đang có tín hiệu tích cực hơn so với các tuần trước đó” - đại diện BVSC nêu rõ.

Số liệu từ NHNN cho thấy, với các giải pháp thực hiện từ đầu năm, đến nay các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Các TCTD cũng thực hiện giảm lãi suất vay một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng từ 0,5 đến 1%/năm; giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung hạn, dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm; triển khai các gói tín dụng ngắn hạn; trung hạn, dài hạn đa dạng, với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội... Cùng với đó, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.

Mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017, tín dụng ngân hàng sẽ tăng trưởng ở mức từ 18 đến 19%. Do đó, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ phải đẩy mạnh tín dụng. Nhưng giảm lãi suất luôn là một trong những mục tiêu NHNN hướng đến trong tương lai. NHNN sẽ điều hành lãi suất theo hướng giữ ổn định và giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Hiện nay, lãi suất đầu vào của Vietcombank thấp nhất trên thị trường, nhưng lượng tiền gửi đổ về ngân hàng vẫn tăng mạnh. Cụ thể, dù thấp hơn từ 1 đến 1,5% so với mặt bằng chung của thị trường, tính đến hết quý III-2017, huy động tiền gửi từ khách hàng của Vietcombank tăng trưởng 16,5% so với đầu năm (cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng huy động chung của toàn ngành). Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ cho vay là 16,3%, thấp hơn tăng trưởng huy động vốn, giúp thanh khoản của Vietcombank tiếp tục được cải thiện. Việc NHNN thời gian qua đẩy mạnh mua ngoại tệ từ các ngân hàng và bơm tiền đồng vào hệ thống để hỗ trợ thanh khoản, cũng giúp những ngân hàng có nguồn ngoại tệ dồi dào như Vietcombank có cơ hội bán lượng ngoại tệ khá lớn cho NHNN nên thanh khoản tiền đồng càng tốt hơn. Đây chính là điều kiện để Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động như lần điều chỉnh vừa qua của ngân hàng.

Nghiêm Xuân Thành Chủ tịch HĐQT Vietcombank

 

Bài và ảnh: HỒNG ANH

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm