Cập nhật: 08/12/2017 14:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những thay đổi về chính sách có thể làm tăng chi phí vận hành cho doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng cho nhà đầu tư.

“Khu vực đầu tư nước ngoài hiện đóng góp khoảng 20% vào GDP và hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây trong chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế đang khiến nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư”.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo “Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức ngày 7/12.

Sau 30 năm mở cửa thu hút, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất trong khu vực.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), việc thường xuyên thay đổi chính sách pháp lý đang khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư rủi ro hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Các thay đổi về chính sách pháp lý, đặc biệt là những thay đổi liên quan đến chính sách thuế như tăng thuế suất hoặc áp dụng các loại thuế mới sẽ tạo ra những tác động tiêu cực đối với các dự án đầu tư. Hay như Nghị định 54 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, bao gồm một số điều khoản không tương thích với Luật Dược.

Việc thi hành Nghị định này sẽ buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ngừng cung cấp dịch vụ kho bãi và cận chuyển dù đã được cấp phép đầy đủ, gây tổn thất hàng trăm triệu đôla và làm gián đoạn việc cung cấp hàng nghìn loại thuốc cần thiết.

“Những thay đổi trong khung pháp lý và chính sách trong thời gian gần đây khiến các nhà đầu tư lo ngại. Những thay đổi về chính sách này có thể làm tăng chi phí vận hành cho doanh nghiệp, tạo thêm gánh nặng cho nhà đầu tư cũng như gây gánh nặng và tổn thất đối với người tiêu dùng trong nước. Điều này sẽ tạo nên một môi trường đầu tư ít hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn so với các nước trong khu vực”, ông Adam Sitkoff cho biết.

Đồng tình với ý kiến trên, Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho biết, theo các cuộc điều tra của các tổ chức khác nhau thì vẫn còn nhiều vấn đề đang được doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài quan tâm như tính ổn định của pháp luật.

Điển hình là luật thuế thay đổi liên tục và quá nhanh, các thông tư của Bộ Tài chính ban hành rồi sửa đổi làm cho doanh nghiệp trở thay không kịp, thủ tục hải quan tuy đã cải tiến nhưng vẫn còn mất khá nhiều thời gian so với các nước ASEAN 4; việc thuê lao động nước ngoài có kỹ năng, nhất là quy định từ ngày 1/1/2018 lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn.

Những khiếm khuyết về xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thu hút đầu tư nước ngoài.

Do đó, Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng, sự ổn định và nhất quán là điều quan trọng nhất giúp nhà đầu tư yên tâm. Những thay đổi chính sách không nhất quán sẽ khiến tăng rủi ro và tạo tâm lý “bất an” cho các nhà đầu tư.

“Ở nhiều quốc gia, khi đã có luật là có hiệu lực pháp lý ngay, còn Nghị định của Chính phủ chỉ là giải thích một số điều cần thiết, chứ không nên quy định các nội dung chi tiết ở trong Nghị định Chính phủ, càng không cần có Thông tư của các Bộ. Sở dĩ có mâu thuẫn giữa Luật – Nghị định và Thông tư là vì những gì đưa vào Luật không được sẽ đưa vào Nghị định. Đến khi đưa vào Nghị định không được sẽ được đưa vào Thông tư. Năm 2018, mong Quốc hội coi đây là nhược điểm để tìm mọi cách khắc phục”, Giáo sư Nguyễn Mại lưu ý.

 

Theo Cẩm Tú/ VOV.VN 

Tệp đính kèm