Thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư hướng dẫn số 15/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), đến nay tại nhiều địa phương trên cả nước đã xuất hiện những mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhà máy xử lý trứng gia cầm có quy mô 2 ha, công suất 185 nghìn trứng/giờ của Công ty Ba Huân (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh).
Tuy nhiên, tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa người dân và doanh nghiệp vẫn thường xuyên xảy ra, do đó cần bổ sung, sửa đổi và có chế tài trong xử phạt vi phạm cũng như có những chính sách cụ thể hỗ trợ đầu ra cho nông sản.
Vướng từ cánh đồng lớn...
Theo Cục Kinh tế và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2016, cả nước có 48 trong số 63 tỉnh, thành phố triển khai 2.262 điểm xây dựng cánh đồng lớn, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng. Số lượng cánh đồng lớn chủ yếu sản xuất lúa (chiếm 73,4%), phần còn lại dành cho một số loại cây khác như mía, ngô, chè, rau… Về quy mô sản xuất, năm 2016, tổng diện tích gieo trồng của cánh đồng lớn đạt 579,3 nghìn héc-ta, trong đó diện tích trồng lúa 516,9 nghìn héc-ta; diện tích gieo trồng các loại cây trồng khác gồm rau các loại 17 nghìn héc-ta, mía 14 nghìn héc-ta, chè 7,6 nghìn héc-ta.
Về hiệu quả kinh tế, theo đánh giá của Viện Chiến lược Chính sách NN và PTNT, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và doanh nghiệp (DN) mang lại hiệu quả kinh tế hơn so sản xuất truyền thống. Ở khu vực ĐBSCL, mỗi héc-ta lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20 đến 25%, thu lời 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Ở phía bắc, các mô hình cánh đồng lớn mang lại giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17 đến 25%, tùy từng địa phương. Tham gia cánh đồng lớn, người sản xuất được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định, được hỗ trợ kỹ thuật và trong một số mô hình còn được DN liên kết cung ứng vật tư đầu vào không tính lãi. Các DN đã có được vùng cung cấp nguyên liệu ổn định với chất lượng bảo đảm và tiết kiệm chi phí thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản…
Trao đổi với ông Phan Công Bình, chủ DN tư nhân Công Bình, ở huyện Tân Trụ (Long An), một đơn vị sản xuất lúa gạo vào loại lớn nhất không chỉ ở Long An mà còn ở cả khu vực ĐBSCL, được biết: Thực hiện cánh đồng lớn, đơn vị này đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu tại năm tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu với diện tích khoảng 10 nghìn héc-ta cánh đồng lúa lớn, thu hút khoảng 10 nghìn hộ nông dân tham gia.
Ông Phan Công Bình cho rằng: “Muốn liên kết được với nông dân để làm chuỗi giá trị lúa gạo thì trước hết cần giúp họ nâng cao được thu nhập, ít nhất là tăng 1,5 lần so bình thường, vì sản xuất yêu cầu kỹ thuật cao hơn mà thu nhập chỉ tăng chút đỉnh thì chẳng ai làm. Ngoài ra, rất cần có vai trò can thiệp của Nhà nước, nhất là thực hiện “chữ tín” trong ký kết hợp đồng. Nếu để xảy ra “bể hợp đồng” thì nhiều doanh nghiệp sẽ chết, vì không có nguyên liệu chế biến để giao hàng cho đối tác. Lúc này, chuỗi liên kết sẽ sụp đổ”.
Về tình trạng này, qua khảo sát một số DN, HTX xây dựng cánh đồng lớn tại hai tỉnh Tiền Giang và Long An, khó khăn phổ biến nhất trong liên kết chuỗi là thái độ thực thi của người nông dân chưa cao, chưa nghiêm túc thực hiện những cam kết trong hợp đồng. Khi gặp những yếu tố không thuận, họ thường “bẻ kèo”, không tôn trọng các cam kết, khiến chủ DN trở tay không kịp. ...
Đến phát triển chăn nuôi
Theo các chuyên gia kinh tế, các quy định của Quyết định 62 tập trung chủ yếu cho trồng trọt, nhất là cây lúa cho nên các lĩnh vực sản xuất khác như chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp không thực hiện được, hoặc thực hiện trong khi những quy định về chính sách hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu, vùng sản xuất hàng hóa tập trung chưa nhiều.
Giám đốc Công ty Ba Huân, Phạm Thị Huân - doanh nghiệp có cả chuỗi sản xuất, từ trang trại chăn nuôi gia cầm, nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao, nhà máy chế biến thực phẩm đến trang trại nuôi gà lấy thịt công nghệ cao có mặt tại cả ba miền cho biết: Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuy nhiên, Quyết định 62 mới tập trung hỗ trợ cho ngành trồng trọt. Ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản trong những năm qua gặp nhiều sóng gió nhưng chưa được hỗ trợ kịp thời. Nếu có cả sự hỗ trợ liên kết cho mảng chăn nuôi, thủy, hải sản thì chăn nuôi không còn phải “giải cứu” như thời gian qua, đồng thời nuôi trồng và khai thác thủy sản chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới.
HTX chăn nuôi Gò Công ở phường 3, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có mô hình liên kết khá độc đáo với khoảng 40 hộ dân "nuôi góp" không tập trung khoảng 100 nghìn con gà vừa gà giống và gà thịt thương hiệu “gà Gò Công” khá nổi tiếng, sản lượng gà giống khoảng 200.000 con/năm, gà thịt 10 tấn/năm và hiện cung cấp cho khoảng 10 cửa hàng thực phẩm tiện ích trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Việt, Giám đốc HTX cho rằng, mức hỗ trợ phải hấp dẫn thì mới khuyến khích các doanh nghiệp tham gia cùng liên kết tiêu thụ với nông dân và HTX. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ cao nhất, không quá 10 tỷ đồng đối với tiền sử dụng đất khi thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất và vốn đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ liên kết…, cần có các mức hỗ trợ với các nhóm đối tượng khác nhau. Bởi đối với một hộ nông dân, 10 tỷ đồng là số tiền rất lớn, nhưng đối với những doanh nghiệp lớn, con số này lại chẳng thấm tháp vào đâu, do đó sẽ không đủ sức khuyến khích các DN lớn tham gia liên kết.
Để liên kết sản xuất bền vững
Trong quá trình tìm hiểu thực tế thực hiện Quyết định 62 và Thông tư 15, chúng tôi nhận thấy tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp thường xuyên xảy ra, nhất là đối với cây lúa. Đại diện một HTX ở Long An cho rằng, việc liên kết với các nông hộ nếu như không có cơ sở pháp lý và một hành lang bảo vệ lợi ích chuẩn thì doanh nghiệp rất khó để xây dựng vùng vệ tinh. Thậm chí, một số doanh nghiệp chỉ dám liên kết với chính những người thân để tập hợp nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, Quyết định này cần quy định cụ thể hơn và có chế tài xử phạt bồi thường hợp đồng đối với doanh nghiệp lẫn nông dân “bẻ kèo”. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ đầu ra cho nông sản, bởi đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bẻ kèo” trong các chuỗi liên kết.
Giám đốc HTX sản xuất - thương mại nông sản Nấm Việt Lê Hà Mộng Ngọc lại băn khoăn về chế tài đối với những trường hợp “bẻ kèo” trong liên kết. “Trường hợp doanh nghiệp không có đầu ra và ngưng hợp đồng khiến cho người nông dân không tiêu thụ được sản phẩm thì sẽ bị áp dụng chế tài như thế nào? Đồng tình với quan điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT Đồng Nai) Nguyễn Hữu Định cho hay, có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX số lượng lớn, nhưng lại chỉ thu mua một phần, sau đó đưa sản phẩm khác vào dán nhãn hiệu của HTX đó để đưa đi tiêu thụ.
Để tháo gỡ vướng mắc trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, cuối tháng 9-2017, Bộ NN và PTNT đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, với sự tham gia của các HTX, DN, Sở NN và PTNT của 13 tỉnh, thành phố phía nam. Tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng Thông tư hướng dẫn số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29-4-2014 của Bộ NN và PTNT còn rườm rà, khó hiểu, khó áp dụng ngay vào thực tiễn, cần ngắn gọn, súc tích.
Theo Hiệu trưởng Trường Quản lý cán bộ NN và PTNT Đinh Công Tiến, để khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cần xác định rõ hình thức nào và chủ thể nào được hỗ trợ. Trong thời gian tới, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cần thống nhất, phù hợp với quy định của Luật Đầu tư và các văn bản có liên quan; kế thừa các ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Quyết định số 62. Giải quyết vấn đề cấp bách hiện nay đối với sản xuất nông nghiệp là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và quản lý chất lượng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Vì thế, các quy định cần tạo điều kiện để phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
Tập trung hỗ trợ vào khâu yếu nhất trong chuỗi liên kết (chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp). Ngoài ra, chính sách hỗ trợ vốn, ngân sách cho các dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cần được quy định cụ thể, chi tiết trong các Nghị định và Thông tư hướng dẫn. Đồng thời, cần giải ngân sớm trước khi dự án triển khai, không để xảy ra tình trạng cả doanh nghiệp lẫn nông dân vẫn khó tiếp cận được ưu đãi như trong thời gian qua.
Bài và ảnh: TÂM THỜI
Theo nhandan.com.vn