Cập nhật: 15/12/2017 13:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tại diễn đàn Phát triển Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng năng suất là một yêu cầu tối quan trọng đối với viễn cảnh phát triển trong trung hạn của Việt Nam. Thúc đẩy, nâng cao năng suất là điều kiện thiết yếu để Việt Nam thực hiện mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước có thu nhập trung bình.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Năm 2017 tăng trưởng mạnh mẽ

Đánh giá về kinh tế năm 2017, ông Ousmane Dione chúc mừng, Việt Nam đã có một năm tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định về kinh tế vĩ mô, lạm phát được duy trì ở mức tương đối thấp một con số, tỉ giá được giữ tương đối ổn định, đồng thời vị thế quốc tế được nâng cao. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ trong một số lĩnh vực cải cách chiến lược, như môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, lĩnh vực ngân hàng, đầu tư công, cũng như tài chính và quản lý nợ. Đặc biệt, Việt Nam đã tăng được 14 bậc trong thứ hạng Môi trường kinh doanh 2018 của WBG. Quá trình cải cách phải duy trì được đà tăng tích cực này vì Việt Nam rất cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất.

Con đường nâng cao năng suất

Trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng. Tuy nhiên, theo ông Ousmane Dione, việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. “Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore”, ông Ousmane Dione nói.

Vậy làm thế nào để Việt Nam khắc phục trở ngại về năng suất lao động này? Dù tính toán năng suất theo cách nào thì câu hỏi cần đặt ra vẫn là hiệu quả. Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào?

Đây có thể là một câu hỏi đơn giản nhưng để tìm được câu trả lời không hề dễ dàng. Ông Ousmane Dione cho rằng, việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực, và muốn vậy cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước. ông Ousmane Dione gợi mở bốn nội dung chính để Việt Nam nâng cao năng suất:

Một là, trong từng lĩnh vực của nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối. Ngoài ra, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tối quan trọng để cải thiện năng suất.

Ông Ousmane Dione cũng cho rằng, liên kết hiệu quả giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam dịch chuyển lên trong chuỗi giá trị toàn cầu để từ đó nâng cao năng suất.

Hai là, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai. Có như vậy mới bảo đảm để nguồn lực được luân chuyển thông suốt, sử dụng hiệu quả, có ích hơn. Cuối cùng, cần tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế.

Ba là, cần hết sức chú trọng đến mục tiêu phát triển giáo dục, kỹ năng và đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp nâng cao năng suất. Về giáo dục cơ sở, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt. Nhưng Việt Nam sẽ cần phải có những kiến thức, kỹ năng mới để góp phần nâng cao năng suất, và đặc biệt là đổi mới nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các ngành sản xuất công nghiệp, chế tạo, chế biến, cũng như nông nghiệp và dịch vụ sẽ ngày càng phát triển lên trình độ phức tạp hơn. Để tiếp tục phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước sẽ cần phải đổi mới. Những kỹ năng yêu cầu của người sử dụng lao động trong nước và nước ngoài sẽ có sự thay đổi, đòi hỏi thị trường lao động và các tổ chức giáo dục đại học phải thích nghi, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng, trình độ đào tạo cao. Tạo khuôn khổ thể chế, chính sách ưu đãi hiệu quả để thúc đẩy đổi mới là một yêu cầu quan trọng để duy trì tăng năng suất lao động bền vững.

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam huy động, sử dụng các nguồn lực công khan hiếm một cách hiệu quả để đầu tư cho các mục tiêu phát triển lớn của mình trong vòng 5 năm tới. Trong bối cảnh nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi đang giảm dần do Việt Nam mới đây đã được công nhận là nước thu nhập trung binh, Việt Nam sẽ ngày càng phải sử dụng nhiều nguồn nội lực hơn. Tăng cường nguồn thu trong nước, cùng các giải pháp nâng cao hiệu quả chi tiêu, năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ là các yếu tố quan trọng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên đến mức thiếu bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư có chất lượng vào hạ tầng cơ sở để đóng góp đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về tăng năng suất lao động. Một vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn lực ODA sẽ cần được sử dụng một cách hiệu quả, chiến lược để bổ sung cho nguồn lực công trong nước, cũng như hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân.

 

Theo XUÂN BÁCH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm