Cập nhật: 17/12/2017 10:53:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tình trạng công khai mua bán thông tin cá nhân (TTCN) của hàng triệu người như tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và thậm chí cả thu nhập hay số dư tài khoản ngân hàng,… dù bị nghiêm cấm vẫn ngang nhiên diễn ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó, những vướng mắc về pháp lý, cộng thêm việc thiếu chế tài mạnh để xử phạt đã khiến cuộc chiến chống lại vấn nạn này không mang lại kết quả như mong đợi.

Thông tin cá nhân được bán tràn lan trên mạng dưới dạng tập danh sách khách hàng. Ảnh: THANH HÀ

Dễ hơn mua rau

Muốn tìm mua TTCN, chỉ cần gõ từ khóa "danh sách khách hàng" trên trang tìm kiếm Google, lập tức có ngay hàng chục địa chỉ trang điện tử hoặc tài khoản Facebook rao bán đủ loại danh sách TTCN khác nhau. Những danh sách này được phân loại rất cặn kẽ để tiện sử dụng, từ dạng tổng hợp như tập thông tin 50 nghìn người có thu nhập hơn

20 triệu đồng sống tại TP Hồ Chí Minh hay hai nghìn người gửi tiết kiệm hơn bốn tỷ đồng tại Hà Nội, hoặc chi tiết hơn như 171 khách hàng sống tại chung cư M5 đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ðống Ða, Hà Nội), danh sách phụ huynh học sinh có thu nhập cao của Trường tiểu học Ðền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội),… Mức giá của những danh sách này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, tùy theo số lượng khách hàng, mức độ cập nhật cũng như tầm quan trọng của thông tin. Tựu trung, thông tin tương đối đầy đủ về một cá nhân có giá rất rẻ, chỉ vài chục đồng.

Ðể tìm hiểu kỹ hơn, trong vai nhân viên của một trung tâm gia sư, chúng tôi đã thử "bắt sóng" với tài khoản facebook "Danh sách phụ huynh học sinh - bất động sản - khách hàng thu nhập cao" tìm mua danh sách phụ huynh học sinh các trường tiểu học tại Hà Nội. Liên lạc qua số điện thoại 0169.935.7785 được cung cấp sẵn nhiều lần không nghe máy, nhưng khi để lại tin nhắn, chỉ sau khoảng 30 phút, chúng tôi đã nhận được tin nhắn trả lời. Theo đó, giá danh sách mới nhất năm 2017 bao gồm tên tuổi của hàng trăm nghìn phụ huynh học sinh cùng số điện thoại, địa chỉ liên lạc,… không chỉ của các trường trên địa bàn Thủ đô mà còn có cả khoảng 8.250 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở phía bắc được ra giá chỉ với... 250 nghìn đồng. Người nhắn tin còn nhấn mạnh, đây là giá siêu khuyến mại và "rẻ nhất vịnh Bắc Bộ". Phương thức thanh toán cũng hết sức đơn giản, người mua chỉ cần nhắn tin mã nạp thẻ điện thoại di động với giá trị tương đương, khi người bán nạp tiền thành công, lập tức danh sách sẽ được gửi ngay. Lấy cớ sợ bị lừa, đồng thời muốn kiểm tra kỹ thông tin nhận được có đúng và cập nhật hay không, chúng tôi đặt vấn đề gặp trực tiếp để "tiền trao, cháo múc". Người này nhắn lại: "Bên em là địa chỉ tin cậy, làm ăn uy tín, lâu dài nên anh cứ yên tâm. Ngày nào em chả bán cho vài chục người đều theo cách này. Thích thì em gửi trước thông tin của vài người cho ông anh gọi thử". Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi vẫn tiếp tục đòi hỏi gặp mặt trực tiếp mới trao tiền, người này bèn trở giọng: "Bên này chỉ bán qua mạng nhé, mua thì chuyển tiền, không thì biến".

Bổ sung chế tài

Theo các chuyên gia, nạn buôn bán TTCN đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng công khai hơn. Ðây là nguồn cơn của vô số phiền toái mà không ít người đang gặp phải, khi liên tiếp bị làm phiền bởi nhiều cuộc gọi điện, tin nhắn "rác" chào mời mua bảo hiểm, mua nhà, thuê gia sư,… Nghiêm trọng hơn, không chỉ thông tin "tĩnh" mà cả thông tin "động" của người dân cũng đang bị rao bán. Cụ thể, gần đây, báo chí đã phanh phui vụ việc thông tin chuyến bay hàng không của hành khách đã được "bán" cho các công ty du lịch, lữ hành, ta-xi để tiện chào mời dịch vụ. Hành vi này có thể gây mất an toàn nghiêm trọng cho người bị mất thông tin, nếu trong trường hợp đó là kẻ gian, nắm rõ lịch trình của người đó để lên kế hoạch phạm tội như đột nhập vào nhà vắng người trộm cắp tài sản hay tiến hành lừa đảo, bắt cóc,… Ðại diện Công ty Luật Gia Minh (Ðoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Căn cứ tại Ðiều 226, Bộ luật Hình sự, việc mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng in-tơ-nét mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Tuy nhiên, căn cứ Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC về hướng dẫn áp dụng quy định Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, việc xác định hành vi buôn bán TTCN của các đối tượng lại chưa đủ để cấu thành tội phạm theo Ðiều 226 Bộ luật Hình sự vì rất khó để xác định việc có hay không "gây hậu quả nghiêm trọng". Thực tế, phía cơ quan công an cũng từng lập không ít chuyên án xác minh, điều tra hành vi mua bán TTCN, nhưng do vướng các quy định pháp lý cho nên không thể xử lý hình sự, đành phải chuyển hồ sơ sang cho thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông để xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Ðiều 7 Luật An toàn thông tin mạng (có hiệu lực từ ngày 1-7-2017) cũng quy định hành vi thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật TTCN của người khác; lợi dụng sơ hở, điểm yếu của hệ thống thông tin để thu thập, khai thác TTCN là bị nghiêm cấm. Ðiều 53 Dự thảo Luật An ninh mạng vừa được trình Quốc hội cũng nêu rõ, không được bán hoặc cung cấp TTCN trái pháp luật hoặc chưa được sự đồng ý của người sở hữu thông tin. Tuy nhiên, trong khi Luật An ninh mạng chưa được thông qua, hiện cũng chưa có văn bản quy định chế tài xử lý các hành vi kinh doanh trái pháp luật TTCN theo Luật An toàn thông tin mạng.

Từ thực tế việc mua bán trái phép TTCN đang mang lại nguồn thu bất chính có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, các chuyên gia pháp lý kiến nghị, trước hết cần điều chỉnh, bổ sung luật theo hướng chỉ cần đối tượng có thu lợi bất chính từ việc mua bán trái phép TTCN là đủ cơ sở để xử lý hình sự; đồng thời, đưa ra các chế tài cụ thể với hình phạt tăng nặng nhằm tạo tính răn đe đối với các đối tượng nêu trên. Ngoài ra, có thể khẳng định, nguồn gốc của các TTCN đang được rao bán chắc chắn phải xuất phát từ các doanh nghiệp khi họ thu thập thông tin của khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Do đó, cũng cần có các quy định cụ thể và chế tài để xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp nếu phát hiện việc chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ thông tin khách hàng tương xứng với mức độ cần thiết.

Theo Ðiều 66, Nghị định 174/2013/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị xử phạt tiền ở mức từ 50 đến 70 triệu đồng.

 

Theo NAM DƯƠNG/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm