Cập nhật: 20/12/2017 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với giai điệu trầm, da diết, những lời ca ngọt ngào, sâu sắc, điệu hát giao duyên của đồng bào dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) đã gắn kết nhiều cặp uyên ương nên duyên chồng vợ. Những lời ca, điệu hát đã ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người dân, trở thành nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.

 

Vợ chồng ông Phùng Thế Vị, thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) cùng học hát giao duyên trong cuốn sách cổ

Hát giao duyên là tục hát ứng đối giữa nam và nữ. Đây là điệu hát truyền thống của người dân tộc Dao quần chẹt ở thôn Thành Công. Vào những đêm hội làng, những câu hát giao duyên ngân vang giữa bản làng. Bên ánh lửa bập bùng, những đôi trai gái trao tình qua những câu hát. Vào những dịp đầu Xuân, người Dao hát giao duyên để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho mọi người, mọi nhà được bình an, ấm no, hạnh phúc, quê hương tươi đẹp.

Lời ca trong những bài hát giao duyên của người Dao thường mang ý nghĩa sâu xa, tế nhị, thể hiện sự trong sáng, lương thiện của những chàng trai, cô gái dân tộc Dao. Ví dụ, chàng trai hỏi cô gái: “Mặt trời đã chiếu ngang sườn núi/ Em ngồi ở đó, em đợi ai/ Anh đến rủ em cùng lên núi/ Hái cây thuốc về cứu muôn dân”. Cô gái trả lời: “Em ngồi em đợi anh lên núi/ Hái lá thuốc về để cứu người/ Xóm làng mạnh khỏe vui cày cấy/ Dựng xây làng bản mãi yên vui”.

Thông qua câu hát, chàng trai và cô gái tìm hiểu thông tin về xuất thân, sở thích hay quan niệm sống của nhau, cũng có khi là nói trêu đùa nhau. Phần lời trong những bài hát giao duyên của người Dao là những bài ca dao, chủ yếu được làm theo kiểu thơ thất ngôn, thỉnh thoảng có xen câu tứ ngôn, ngũ ngôn.

Ở bản người Dao thôn Thành Công, nghệ nhân Phùng Thế Vị là người am hiểu tường tận nhất về làn điệu hát giao duyên của dân tộc mình. Ông Vị cho biết, trước kia, do quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân”, trai gái chưa kết hôn không được tự do tìm hiểu nhau như bây giờ, thì hát giao duyên là cách duy nhất để các đôi trai gái tìm hiểu nhau.

Người Dao thường hát giao duyên trong các dịp hội làng, lễ cấp sắc, trong đám cưới hoặc hát khi đi rừng, làm nương rẫy... Theo ông Vị, điệu hát giao duyên của dân tộc Dao quần chẹt khó hát nhất trong tất cả các điệu hát truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Hát giao duyên được chia làm 2 loại, loại thứ nhất chỉ được hát trong các dịp lễ, Tết, đã được ấn định lời, người hát phải giữ nguyên bản lời của bài hát. Loại thứ hai, người hát có thể biến tấu lời của bài hát tùy thuộc vào bối cảnh. Đối với các bài hát phục vụ cho các dịp lễ, Tết của người Dao, người hát phải tuân thủ quy tắc hát rất chặt chẽ, thường hát đi rồi hát lại, rồi ngắt nhịp... khiến người hát dễ nhầm lẫn.

Trước kia, mỗi lần có đoàn hát ở những nơi khác đến giao lưu, bản làng lại cử ra một đoàn hát đối. Nếu đoàn khách là nữ thì đoàn hát đối là nam và ngược lại. Trong đoàn thường phải có 1 người “cầm càng” hát giỏi, có khả năng ứng biến nhanh. Người Dao thường được học hát từ nhỏ và rất mê hát.

Bà Phùng Thị Kiều (vợ ông Vị) là một trong số ít người dân tộc Dao hiện còn biết hát giao duyên. Bà Kiều cho biết: “Lúc nhỏ, tôi thường được bố cõng trên lưng và hát ru bằng lời hát giao duyên. Giai điệu bài hát ngấm dần vào tiềm thức, đến khi lớn lên, bố lại dạy cho cách hát, cách luyến láy nhịp điệu”.

Năm 2016, bà Kiều là thành viên của đoàn hát giao duyên thôn Thành Công đi dự Ngày hội dân tộc Dao toàn quốc và trình diễn nhiều tiết mục hay, giành được giải Nhì. Đó là vinh dựkhông chỉ của riêng bà mà còn là niềm tự hào của tất cả những người dân tộc Dao ở thôn Thành Công. Tuy nhiên, đến nay, số người biết hát giao duyên ở thôn Thành Công chỉ còn 7 người, trong đó, có 2 cụ sức khỏe đã yếu. Bà Kiều đã dạy cho con gái và con dâu của mình cách hát giao duyên. Đó là 2 người trẻ tuổi duy nhất của bản người Dao yêu thích điệu hát truyền thống này.

Ông Phùng Thế Vị cho biết, tiếng Dao rất khó hát và khó hiểu. Nhiều người biết hát nhưng chưa chắc đã biết hết được cái hay của hát giao duyên. Lớp trẻ ngày nay không muốn học làn điệu truyền thống này. Những người biết hát chủ yếu là các cụ già, vì vậy, làn điệu hát giao duyên của người Dao ngày càng bị mai một. Hiện giờ, ông Vị còn lưu giữ 1 cuốn sách cổ chép lại lời những bài hát giao duyên dùng trong các dịp lễ, Tết của người Dao bằng chữ nho. Ông Vị coi đây như một “báu vật” của bản làng và ông phải có trách nhiệm gìn giữ nó.

Theo ông Lê Hồng Công, Phó Chủ tịch UBND xã Lãng Công, để bảo tồn và phát huy giá trị điệu hát giao duyên của dân tộc Dao, cần tăng cường tuyên truyền để mọi người yêu hơn làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc; đào tạo đội ngũ kế cận say mê hát giao duyên; tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, đưa loại hình văn nghệ dân gian này vào trong các hoạt động quần chúng; đồng thời, cần khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống của người Dao.

ST

Tệp đính kèm