Cập nhật: 03/01/2018 14:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực tiễn đã chứng minh các quốc gia có kinh tế phát triển vững mạnh đều dựa trên nền tảng của kinh tế tư nhân, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước. Dẫu vậy, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, để có được lực lượng doanh nghiệp tư nhân đủ mạnh vẫn cần rất nhiều cân nhắc về định hướng và chính sách.

Ảnh minh họa

Đây là những thông tin từ Hội nghị Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp sáng ngày 2/1 tại TPHCM.

Chưa chủ trương ưu đãi “vượt rào” cho các tập đoàn lớn

Kinh tế tư nhân đang đóng vai trò ngày càng quan trọng khi thường xuyên chiếm tỷ trọng 39-40% GDP những năm gần đây. Chính phủ cũng đã nhận ra xu thế này và đang có những bước đi tích cực, kêu gọi sự chung sức, hợp tác từ các giới chức, các tầng lớp nhân dân, chuyên gia trong và ngoài nước, cùng sự ủng hộ của rất nhiều các tổ chức quốc tế để thúc đẩy hơn nữa tiềm năng của kinh tế tư nhân.

Thực tiễn toàn cầu đã chứng minh các quốc gia có kinh tế phát triển vững mạnh đều dựa trên nền tảng của kinh tế tư nhân, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước. “Lượng đổi chất đổi, tôi tin vai trò của kinh tế tư nhân trong nước sẽ ngày càng lớn hơn”, TS. Huỳnh Thế Du đến từ Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.

Thế nhưng, trong khi khoảng 97% doanh nghiệp trong nước còn ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ thì làm sao để tạo nên sức mạnh tổng thể cho kinh tế tư nhân? Trả lời câu hỏi này, có ý kiến ở Hội nghị cho rằng Việt Nam nên có sự hỗ trợ chính sách toàn diện cho các “hạt nhân” để hình thành nên những tập đoàn, tổng công ty lớn như mô hình các chaebol (tức tài phiệt, là tên gọi các tập đoàn lớn của Hàn Quốc) với sự “đỡ đầu” của Chính phủ. Từ đó mới có thể tạo động lực phát triển lan tỏa sang các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kinh tế phát triển Huỳnh Thế Du cho rằng Việt Nam sẽ có bước chuyển tốt hơn Hàn Quốc những năm 1960. Đó là việc doanh nghiệp tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tạo ra giá trị xã hội lớn hơn cho cộng đồng. Vì vậy, “phải rất cẩn trọng nếu chỉ tập trung cho các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn”. Bởi lịch sử đã chứng minh vẫn có những nền kinh tế đi lên nhờ sức mạnh của các doanh nghiệp nhỏ.

Trường hợp của Tập đoàn Hồng Hải tại Đài Loan (Trung Quốc) - còn gọi là Foxxcon có thể nói là một điển hình đặc sắc khi đi lên từ một doanh nghiệp nhỏ với mức vốn ban đầu chỉ khoảng 75.000 USD. Ngày nay, Hồng Hải là một trong những nhà sản xuất hàng điện tử tiêu dùng và linh kiện điện tử hàng đầu thế giới.

Do đó, theo TS. Huỳnh Thế Du, Nhà nước chỉ nên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho mọi doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, “giao cho người thổi sáo hay nhất cây sáo tốt nhất”, thay vì những ‘người thổi sáo hay” thì chưa được tạo điều kiện phù hợp còn những nơi “chậm tiến” thì lại được “bao cấp” trường kỳ.

Cùng quan điểm này, chuyên gia Vũ Đình Ánh cũng cho rằng câu chuyện khởi động các chaebol tại Hàn Quốc đã diễn ra từ nửa thế kỷ trước, còn hiện nay bối cảnh chung của Việt Nam đã khác. Trong các chủ trương hiện nay cũng không đề cập gì đến việc hỗ trợ riêng cho các tập đoàn, các tổng công ty lớn, mà chỉ định hướng ủng hộ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). “Tôi nghĩ có lẽ chính sách đang hướng đến việc hình thành hệ thống doanh nghiệp đa tầng, đa dạng”, ông Ánh nhận xét thêm.

Cần tầm nhìn chung thay vì lợi ích cục bộ

Trước những ý kiến về việc gỡ vướng cho doanh nghiệp ở nhiều thủ tục hành chính cụ thể và các khó khăn đã kéo dài nhiều năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng điều cần nhất của Chính phủ lúc này là được nghe những tổng kết, đề xuất, kiến nghị và góp ý để có các cơ chế chính sách mang tính tổng quát cao hơn, có thể “phủ sóng” cho cả cộng đồng doanh nghiệp, cả nhóm ngành nghề… thay vì chỉ được nghe trình bày những sự vụ, sự việc cá biệt của từng doanh nghiệp như hiện nay.

Dường như chỉ đợi có thế, câu chuyện liên kết một lần nữa lại được nhắc tới như giải pháp chung nhất và lớn nhất để hình thành một cộng đồng doanh nghiệp tư nhân vững mạnh. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân được hình thành từ nền tảng của cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam từ đó đã vươn lên tầm cỡ khu vực và thế giới.

Với điểm rất đặc biệt này, bên cạnh chủ trương hình thành chuỗi giá trị giữa SMEs – doanh nghiệp siêu nhỏ với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần xây dựng những chuỗi giá trị giữa SMEs – doanh nghiệp siêu nhỏ với các tập đoàn, tổng công ty tư nhân lớn trong nước.

Thật vậy, là một đại diện đến từ ngành du lịch, bà Trương Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch và Đầu tư Công ty du lịch Vietravel cho hay năm 2017 vừa qua Việt Nam được xếp thứ 6/210 nước có ngành du lịch tăng trưởng mạnh nhất thế giới với 13 triệu lượt khách, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp có mức tăng trưởng du khách hơn 25%. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thì hãy còn rất nhiều thách thức.

Việc 84% du khách quốc tế không quay lại Việt Nam chính là dấu hỏi lớn hơn bao giờ hết về tính bền vững của ngành công nghiệp không khói này. “Một trong những chủ trương cần được ủng hộ mạnh mẽ để gỡ rối các khó khăn hiện nay là tăng cường kết nối liên ngành, liên vùng, kết nối trong và ngoài nước, kết nối giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị với nhau”, bà Giang bày tỏ.

Tham gia hội nghị với tâm thế của người lắng nghe tiếng nói của giới chuyên gia và doanh nghiệp, PGS.TS. Nguyễn Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Hành chính - Quản trị 2 (Văn phòng Chính phủ) cho hay sẽ ghi nhận tất cả các ý kiến, nguyện vọng được nêu ra tại Hội nghị và báo cáo Văn phòng Chính phủ để có định hướng hoặc tham vấn cho các bộ ngành có liên quan.

 

Theo Phương Hiền/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm