Ung thư đại trực tràng vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây tắc ruột. Mặc dù đã có những tiến bộ giúp chẩn đoán sớm ung thư, nhưng vẫn có gần 40% bệnh nhân ung thư đại trực tràng nhập viện với bệnh cảnh tắc ruột.
Phẫu thuật cấp cứu vẫn là phương pháp điều trị thường được áp dụng, với tỉ lệ khoảng 20,7%. Bất kể phương pháp nào thì phẫu thuật cấp cứu ung thư đại tràng ở những bệnh nhân nhiều yếu tố nguy cơ như ung thư thường gặp ở người cao tuổi và bệnh nhân suy dinh dưỡng do u ở giai đoạn muộn biến chứng tắc ruột, thiếu máu không được chuẩn bị ruột cũng làm tăng tỉ lệ biến chứng và tử vong. Hơn thế nữa, bệnh nhân bị ung thư đại tràng thường có nhiều bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim cũ, bệnh lý về phổi, đái tháo đường…
Điều trị tắc ruột do ung thư đại tràng phải đảm bảo hai nguyên tắc là lập lại lưu thông đường tiêu hóa và điều trị ung thư. Khối u trên khung đại tràng gây tắc ruột có nhiều phương pháp phẫu thuật như cắt u, nối tắt hoặc làm hậu môn nhân tạo. Nghiên cứu trên 23 bệnh nhân được phẫu thuật do tắc ruột vì ung thư đại tràng phải bằng khâu nối một thì tại BV. Nguyễn Tri Phương cho thấy tuổi trung bình bệnh nhân là 52 tuổi. Rối loạn tiêu hóa và đau bụng là lý do chính bệnh nhân nhập viện. Trong đó 16 trường hợp được mổ nội soi, 4 trường hợp chuyển sang mổ mở do xâm lấn nhiều và ruột chướng nhiều hơi, 7 trường hợp mổ mở ngay từ đầu. Tỉ lệ biến chứng là 21,74% (5 ca) và tỉ vong 1 ca. 23 trường hợp này trong lần mổ cấp cứu đều cắt u và lập lại lưu thông tiêu hóa. Biến chứng và tai biến nhẹ như nhiễm trùng vết mổ tại chỗ, không có xì rò cũng như không phải mổ lại.
Chất lượng cuộc sống cũng là một yếu tố quan trọng đối với việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật. Nếu chất lượng cuộc sống xấu đi sẽ tác động đến quyết định lựa chọn phẫu thuật khâu nối một thì hay hai thì. Cắt khối u và làm miệng nối hồi đại tràng một thì thường được chấp nhận đối với khối u đại tràng phải.
Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 3 trong các loại bệnh ung thư sau ung thư phổi và ung thư vú. Ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 4 ở nam và thứ 5 ở nữ giới. Để chẩn đoán xác định bệnh chủ yếu dựa vào nội soi đại tràng, sinh thiết tổn thương để chẩn đoán mô học; đồng thời có thể siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng - lồng ngực, cộng hưởng từ, xạ hình xương, PET/CT…
Theo BS. ĐẶNG QUỐC QUÂN/suckhoedoisong.vn