Hà Nội đang duy trì tốt nghệ thuật truyền thống, đồng thời đón nhận nghệ thuật văn hóa của quốc tế, của các địa phương theo đúng nghĩa Hà Nội là nơi chắt lọc và lan tỏa các nền văn hóa.
Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế được mời đến biểu diễn tại tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm, Hà Nội.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh luôn là một nội dung quan trọng của ngành văn hóa TP. Hà Nội. Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, vì vậy, đây là nội dung luôn cần thiết trước mắt và lâu dài. “Tinh thần của Hà Nội là chắt lọc và lan tỏa các giá trị văn hóa nên chúng tôi xác định đây là nội dung rất quan trọng. “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” - là nội dung rất khó khăn, lo lắng, trăn trở của những người làm văn hóa, để làm sao có thể giữ được thương hiệu này”, ông Động nói.
Để giải quyết được vấn đề này, mặc dù trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn và cũng phải rất kiên trì nhưng ngành văn hóa đã bước đầu có chuyển biến. Năm 2017, Hà Nội đã ban hành được 2 Bộ quy tắc ứng xử: "Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” và “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính TP. Hà Nội”. Sau một năm tổ chức thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử đã trở thành những đợt học tập chính trị rất sôi nổi của Hà Nội. Ở tất cả các cấp, ngành, quận, huyện, xã, phường đều triển khai 2 Bộ quy tắc ứng xử này. Đặc biệt, Bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức khi vào trong thực tiễn đã có hiệu quả tốt hơn, sớm hơn Bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng.
Tuy vậy, ông Động cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tạo được sự thay đổi rõ nét mà dư luận và nhân dân còn đang mong chờ.
Chúng ta vẫn đang bắt gặp ở Hà Nội lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm, thiếu văn hóa và chấp hành pháp luật không nghiêm, chưa tạo ra được nét riêng biệt của người Hà Nội. Đó những việc khiến những người làm văn hóa của Hà Nội phải trăn trở, còn phải tiếp tục tạo được chuyển biến trong thời gian tới.
“Để thực hiện được việc này, Hà Nội xác định để tạo được nếp sống văn hóa cần có thời gian lâu dài, kiên trì, vì vậy chúng tôi tập trung vào giáo dục con người được quan tâm từ nhỏ và được giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Năm nay, Hà Nội sẽ mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đến nói chuyện rất cụ thể, dễ hiểu bằng những câu chuyện đơn giản hàng ngày để cho mọi quần chúng nhân dân được tiếp cận với những người làm văn hóa kinh nghiệm đến nói chuyện. Chúng tôi xác định rằng phải thực hiện kiên trì, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người, mọi cấp và mọi cơ quan”, ông Động chia sẻ.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết sắp tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường và duy trì tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật hơn nhằm tăng cường “lấy xây để chống”. Hà Nội liên tục đưa các chương trình tầm cỡ quốc gia về Hà Nội. “Chúng tôi mời tất cả các tỉnh, thành phố đưa đoàn nghệ thuật về biểu diễn cho đông đảo công chúng Hà Nội tại phố đi bộ Hồ Gươm. Tới đây, Thành phố cũng sẽ đưa nhiều chương trình nghệ thuật quốc tế về Hà Nội như tổ chức hòa nhạc London, lễ hội hoa Anh đào”, ông Tô Văn Động nói.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đang xây dựng những lễ hội đặc trưng. Ví dụ như năm 2018, Hà Nội sẽ khởi động cho lễ hội âm thanh ánh sáng vào giao thừa Tết nguyên đán, lễ hội âm nhạc mùa thu vào mùa thu, lễ hội ẩm thực Hà Nội với 81 món ăn đặc sản của Hà Nội đã được kiểm kê, đánh giá, bảo tồn và phát triển. Các chương trình văn hóa, nghệ thuật của Hà Nội được tổ chức thường xuyên tại phố đi bộ. Hàng tuần, mỗi buổi tối ở phố đi bộ Hà Nội đều tổ chức 7 chương trình nghệ thuật truyền thống và nhiều chương trình của quốc tế.
Về duy trì cảnh quan của Thủ đô, ông Động cho hay, trên nhiều tuyến phố Thủ đô còn tình trạng doanh nghiệp dựng biển quảng cáo sai vị trí được quy hoạch, nội dung không phù hợp, tiếng nước ngoài quá nhiều, thậm chí có nhiều phố biển hiệu toàn tiếng Hàn Quốc, Trung Quốc, nhiều phố có biển hiệu karaoke sai quy định, việc làm biển mất an toàn gây ra một số vụ cháy.
"Hà Nội đã xây dựng quy định về quảng cáo khá đầy đủ và có quy hoạch từ năm 2012. Nhưng lực lượng thanh kiểm tra xử lý vi phạm của các quận huyện chưa kiên quyết và do lợi ích quảng cáo lớn nên doanh nghiệp cố tình vi phạm", ông Động nói.
Theo ông Động, Hà Nội hiện có 1.500 biển quảng cáo lớn, 113.000 biển hiệu nhỏ mặt tiền. Thanh tra văn hóa đã xử lý gần 200 biển sai phạm năm 2017, dỡ bỏ toàn bộ. Năm 2018, ngành văn hóa sẽ tập trung xử lý quyết liệt các biển quảng cáo và biển hiệu sai quy định, đặc biệt Hà Nội chọn ra các doanh nghiệp có nhiều biển hiệu để tập trung xử lý trước... Hà Nội cũng xử lý chủ cho thuê đất bằng các xử lý khác nhau, xử lý dần và xử lý quyết liệt để làm sao lập lại được trật tự cho lĩnh vực quảng cáo, gây mất mỹ quan cho thành phố.
Theo Nhật Nam/Chinhphu.vn