Các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc đều có tập tục sử dụng tranh thờ trong các việc cúng lễ, ma chay. Mỗi dân tộc lại có một dòng tranh thờ mang dấu ấn nghệ thuật riêng, xuất phát từ cội nguồn văn hóa và phong tục tập quán của mỗi dân tộc.
Người dân tộc Dao ở xã Lãng Công (Sông Lô) treo tranh thờ trong Lễ Cấp sắc
Trong các nghi lễ thờ cúng, người dân tộc Dao ở thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) thường sử dụng nhiều tranh thờ. Người Dao có các loại tranh thờ riêng sử dụng trong các dịp lễ, Tết, trong đó, có hai bộ tranh thờ chính là tranh thờ thần linh và tranh thờ thần pháp. Tranh thờ thần linh được thể hiện bằng hình vẽ các vị thần có quyền lực tối cao, tiêu biểu như bộ Tam Thanh thờ các vị thần: Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ). Tranh thờ thần pháp như: Thần Thiên Lôi; thần Bao Công (vị quan tòa chuyên phán xử các vụ kiện tụng); thần Bưu tá đưa thư, tấu sớ của con người đến các thần linh; Tứ phương thượng đẳng thần (Đông, Tây, Nam, Bắc), thần Nước, thần Đất, thần Núi, thần Bà Đẻ (bà mụ) chăm sóc con trẻ... Tổng cộng các loại tranh thờ có khoảng 25 – 30 bức, khổ rộng các cỡ 30x60, 30x70, 30x80.
Già làng Phùng Văn Thanh cho biết, trong các bức tranh thờ của người Dao, các vị thần được vẽ với nét tả thực, có dáng vẻ oai nghiêm, quyền lực. Tranh sử dụng các gam màu chủ yếu như: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng.
Tuy nhiên, màu sắc của mỗi bức tranh cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật. Tranh được vẽ trên loại giấy tốt, có độ bền cao. Trong bản người Dao ở Thành Công ít có người biết vẽ tranh thờ. Vì thế, nhiều người phải sang tận Hà Nội (Hà Tây cũ) để thuê người vẽ tranh. Trong khi vẽ, người vẽ tranh không được tiếp xúc với người khác.
Tranh vẽ xong, gia chủ phải nhờ thầy cúng chọn ngày tốt để treo tranh và làm lễ khai quang. Tranh thờ được người Cao Lan cất giữ cẩn thận bằng việc gói tranh thật kỹ treo lên xà nhà (nơi gần với bàn thờ tổ tiên). Theo già làng Phùng Văn Thanh, hiện nay, tranh thờ được thuê vẽ với mức giá khá cao.
Ví dụ như bộ tranh Tam Thanh (gồm 15 bức) có giá khoảng 15 triệu đồng/bộ. Khi tiến hành các nghi lễ cúng, tế, những bức tranh thờ được thầy cúng treo xung quanh đàn lễ, thể hiện sự trang trọng, thần bí. Trong không gian buổi lễ, hình ảnh các vị thần trong các bức tranh thờ được soi rọi bởi ánh sáng của đèn, nến kết hợp với màu sắc, các họa tiết trên trang phục của thầy cúng và điệu nhảy, âm nhạc trong các nghi lễ truyền thống của người Dao tạo nên không gian tín ngưỡng đầy chất huyền bí.
Dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên (Sông Lô) có một bộ tranh thờ Thần - Phật với hơn 20 bức tranh được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài những bức tranh thờ chung của cộng đồng dân tộc, mỗi dòng họ còn có một bức tranh thờ thần riêng.
Hiện nay, đồng bào Cao Lan ở xã Quang Yên còn lưu giữ những bộ tranh thờ, chủ yếu do những người thầy cúng hoặc những người trưởng họ tộc giữ. Nghệ thuật vẽ tranh của người Cao Lan mang đậm phong cách dân gian cổ. Một số gam màu hiện nay khó có thể pha màu được.
Những hình ảnh trong tranh phản ánh khá đầy đủ những tư tưởng tâm linh thuộc về thượng tầng kiến trúc của cộng đồng dân tộc. Mỗi bức tranh thể hiện nhiều tầng ý thức: Thượng, trung, hạ và cõi âm ty.
Các tranh có ý nghĩa tôn thờ cái thiện, sự công bằng, răn đe cái ác, thói hư tật xấu, một số bức còn thể hiện cuộc sống lao động, sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, gieo trồng lương thực như: Tranh thần Nông, tranh Địa Niệm... Một số bức nổi tiếng như: Bức tranh Thánh sư, bộ tranh Công pháp, bức thần Bưu tá đưa thư, bức Dẫn Lộ Hương...
Cũng giống như dân tộc Dao và Cao Lan, dân tộc Sán Dìu ở Vĩnh Phúc có nhiều loại tranh thờ được dùng trong các nghi lễ cúng, tế. Hiện nay, còn khoảng 100 bộ được cất giữ tại nhà các ông thầy cúng, trưởng bản, thầy lang. Tranh với các đề tài như: Tam Thanh, Thánh Sư, Quan Âm...
Tranh thờ là một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc thù của các dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc. Tục thờ tranh dân gian được đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh bảo tồn từ đời này qua đời khác, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt. Tranh thờ chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện niềm tin của con người vào thế giới tự nhiên, răn dạy con người làm điều thiện, loại trừ việc ác nhằm hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.
ST