Cập nhật: 17/01/2018 10:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không quân Mỹ ngày 16/1 thông báo lực lượng này đã triển khai 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 tới vùng lãnh thổ Guam.

 

Máy bay ném bom B-52. Ảnh: AFP/TTXVN

6 máy bay B52 chở theo 300 thành viên phi hành đoàn, gia nhập vào nhóm 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ mới được triển khai tới Guam, nơi đặt căn cứ Không quân Andersen, một tiền đồn chủ chốt của Mỹ trên Thái Bình Dương. Theo một thông báo của Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương, việc triển khai này được tiến hành "nhằm hỗ trợ sứ mệnh liên tục hiện diện máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM)".

Việc triển khai máy bay ném bom tàng hình B2 diễn ra chỉ vài ngày sau khi  tàu sân bay USS Carl Vinson khởi hành đến khu vực Tây Thái Bình Dương. Theo truyền thông Hàn Quốc, các vũ khí chiến lược sẽ tiến đến hải phận gần bán đảo Triều Tiên trước khi Thế vận hội bắt đầu vào 9/2  tới. Tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng dự kiến sẽ xuất hiện trong khu vực. Các quan chức quân đội Mỹ cho biết, việc triển khai nhằm tạo ra các lựa chọn răn đe để duy trì sự ổn định khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên do Mỹ và Canađa đồng chủ trì tại Vancounver  hôm 16/1, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng khẳng định các biện pháp gia tăng sức ép vẫn được duy trì và Triều Tiên sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu có bất cứ hành động gây hấn nào xảy ra:

“Đây là một mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng mà chúng ta cần phải đoàn kết trong một mục tiêu chung phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế sẽ cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Nga để khẳng định rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân”, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói.

Việc triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ, đặc biệt là 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 trong thời gian Thế vận hội diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng ông có nút bấm hạt nhân lớn và quyền lực hơn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Những chiếc máy bay này có công nghệ tàng hình và khả năng mang vũ khí hạt nhân, điều mà các máy bay ném bom B-1B Lancer đã triển khai đến đảo Guam năm 2017 không có. Bước đi phô trương sức mạnh này cũng được cho là nhằm trấn an các đồng minh Châu Á trước bất cứ dấu hiệu căng thẳng nào có thể đột ngột gia tăng trong khu vực.

Tuy nhiên việc triển khai vũ khí chiến lược của Mỹ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm này sẽ gửi một thông điệp không tích cực tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bất chấp bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên đang được cải thiện với các cuộc đối thoại liên Triều đang diễn ra.

Trong một bài xã luận tờ Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên đăng cuối tuần qua cho rằng, đây là một sự khiêu khích quân sự không thể tha thứ, ảnh hưởng tiêu cực đến bầu không khí cải thiện quan hệ liên Triều. Ngoại trưởng Hàn Quốc hôm 16/1 cũng bày tỏ hy vọng sẽ đạt được những bước đột phá trong mối quan hệ với Triều Tiên và bầu không khí hiện nay sẽ tiếp tục sau khi Thế vận hội kết thúc./.

Theo Phạm Hà/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm