Viêm đường tiết niệu là bệnh thường gặp và kéo theo những biểu hiện ngứa rát, khó chịu bất tiện, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt và cuộc sống của bệnh nhân.
Vậy đâu là nguyên nhân và cách khắc phục những khó chịu này?
Vì sao dễ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu?
Thông qua hệ thống đường tiết niệu, bao gồm thận niệu quản, bàng quang và niệu đạo, các chất cặn bã đào thải ra ngoài cơ thể. Thận lọc các chất này ra khỏi máu, niệu quản dẫn các chất này từ thận ra bàng quang cho đến khi được đưa ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Tất cả phần này của hệ thống đường tiết niệu đều có thể bị nhiễm trùng, tuy nhiên phần thấp của hệ thống đường tiết niệu, tức bàng quang và niệu đạo là thường bị tổn thương nhất. Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà người ta phân loại nhiễm trùng đường tiết niệu cao hay người ta còn gọi là viêm bể thận khi có nhiễm trùng ở thận và nhiễm trùng đường tiết niệu thấp (hay còn gọi là viêm bàng quang niệu đạo) khi có nhiễm trùng ở bàng quang niệu đạo. Mặc dù sử dụng kháng sinh là phương pháp điều trị điển hình đối với nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng đầu tiên chúng ta cần thực hiện các bước giảm các nguy cơ bị nhiễm trùng.
Luôn có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần
Dấu hiệu nhận biết
Không phải ai cũng có các dấu hiệu trên lâm sàng một cách điển hình và rõ rệt nhưng hầu hết các bệnh nhân đều có một số biểu hiện rõ rệt: luôn có cảm giác buồn tiểu và đi tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ được một lượng ít nước tiểu (tiểu rắt), cảm giác bỏng rát hoặc rát khi đi tiểu (tiểu buốt), có máu trong nước tiểu, có thể là khi đi tiểu gần hết hay trong toàn bộ nước tiểu (đái máu cuối bãi hoặc toàn bãi): nước tiểu có thể có màu đục và có mùi hôi. Ngoài ra có thể quan sát triệu chứng đặc biệt khác tùy theo phần nào của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.
Nếu là bị viêm bể thận cấp tính: bệnh nhân thường bị đau vùng hông lưng hoặc mạng sườn, sốt cao, có thể kèm theo có run, buồn nôn và nôn.
Nếu là viêm bàng quang: người bệnh thường có cảm giác tức nặng vùng bụng dưới hoặc đau tức, khó chịu vùng hạ vị, tiểu buốt, rắt và nước tiểu có mùi hôi.
Nếu là viêm niệu đạo: bệnh nhân có cảm giác bỏng rát khi đi tiểu, nam giới có thể thấy dịch mủ chảy ra từ dương vật.
Nguyên nhân do đâu?
Nhiễm trùng đường tiết niệu xuất hiện điểm hình khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo và bắt đầu nhân lên ở bàng quang. Thông thường, đường tiết liệu có những đặc tính để chống lại sự nhiễm trùng thông qua ức chế sự phát triển của vi khuẩn và loại bỏ những tác nhân vi khuẩn gây bệnh đó. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiết niệu, lưu trú và nhân lên cho đến khi gây ra nhiễm trùng thực sự. Một số ít trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn đến từ đường máu. Đại đa số các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn gram âm gây ra, hay gặp nhất là Escherichia coli (E.coli). Ngoài ra còn do Klebsiella Proteus, Pseumodonas hoặc Enterobacter. Vi khuẩn gram ít gặp hơn. Hiếm hơn là các vi khuẩn bệnh viện, nấm, virút…
Vi khuẩn Escherichia coli
Có vi khuẩn trong nước tiểu chưa hẳn đã bị nhiễm trùng. Một số người đặc biệt là người có tuổi, có thể có vi khuẩn trong nước tiểu mà không có triệu chứng của nhiễm trùng. Hiện tượng này gọi là có vi khuẩn trong nước tiểu không triệu chứng và không cần phải điều trị.
Viêm bàng quang có thể xuất hiện ở phụ nữ sau khi quan hệ tình dục. Nhưng ngay cả ở những cô gái trẻ hay những cô gái chưa quan hệ tình dục cũng có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu thấp bởi vì hậu môn của phụ nữ rất gần lỗ niệu đạo. Phần lớn các trường hợp viêm bàng quang là do Escherichia coli gây ra. Đây là loại vi khuẩn thường gặp trong đường tiêu hóa.
Trong trường hợp viêm niệu đạo loại vi khuẩn gây bệnh thường cũng là loại gây nhiễm trùng ở thận và bàng quang. Ngoài ra, do niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo, các bệnh lây qua đường tình dụcherpes simplex. Chlamydiacũng là những nguyên nhân có thể gặp. Đối với nam giới, thường bị nhiễm do các loại vi khuẩn thường gặp trong quá trình quan hệ tình dục. Phần lớn các nhiễm trùng ở nam giới là do lậu cầu và chlamydia.
Và các yếu tố nguy cơ
Một số người có vẻ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với những người khác, có tới một nửa số phụ nữ sẽ bị nhiễm đường tiết niệu sẽ bị nhiễm khuẩn đường bàng quang một lần nào đó trong đời.
Những phụ nữ có quan hệ tình dục thường dễ bị nhiễm đường tiết niệu hơn. Quan hệ tình dục có thể làm tổn thương đường niệu đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn dễ dàng đi qua đường bàng quang. Những phụ nữ sử dụng màng ngăn hay các chất diệt tinh trùng để ngừa thai có nguy cơ cao hơn nữa. Sau khi mãn kinh, vì thiếu Estrogen, niêm mạc âm đạo, niệu đạo và đáy bàng quang trở nên mỏng hơn và dễ bị tổn thương hơn nên nhiễm trùng đường tiết niệu còn hay gặp hơn.
Biến chứng
Nếu được điều trị ngay và đúng hiếm khi nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra biến chứng. Nhưng nếu không được điều trị bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu có thể trở nên trầm trọng và gây ra nhiều phiền toái.
Nhiễm trùng đường tiết niệu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm thận bể cấp tính hay mạn tính và bệnh lý gây tổn thương thận thường xuyên mạn tính. Trẻ em và những người lớn tuổi ở đây là những người có nguy cơ tổn thương thận cao nhất khi có nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu bởi vì triệu chứng của bệnh thường bị bỏ qua hay có nguy cơ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong thời gian mang thai có nguy cơ sinh con thiếu cân hoặc đẻ non hơn.
Nhiễm trùng đường tiết niệu không đúng hoặc không đủ thời gian cấp tính, nhất là các yếu tố thuận lợi không được loại bỏ, có thể dẫn tới ápxe hóa, nhiễm trùng máu, suy thận, thậm chí tử vong. Khi trở thành bệnh lý mạn tính, hậu quả tất yếu sẽ dẫn đến suy thận mạn tính.
Điều trị
Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở đây bao gồm diệt trừ những virút gây bệnh và loại trừ các yếu tố thuận lợi nếu có. Thông thường các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ hết sau ít ngày điều trị. Một số trường hợp phải dùng kháng sinh dài hơn.Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần, thời gian điều trị thường kéo dài hơn hoặc có thể điều trị thêm nhiều đợt kháng sinh ngắn khi đã hết triệu chứng. Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng liên quan đến quan hệ tình dục, có thể điều trị dự phòng bằng uống một liều kháng sinh sau mỗi lần quan hệ tình dục.
Đối với những trường hợp bị nhiễm trùng đường tiết niệu nặng, bệnh nhân có thể cần vào bệnh viện điều trị và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch. Nếu bệnh tái phát hoặc nhiễm trùng trở thành mạn tính bệnh nhân cần được các bác sĩ chuyên khoa thận theo dõi để tìm và xử trí các bất thường của đường tiết niệu vì đây có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng sau đó cần có chương trình điều trị và kiểm soát các biến chứng lâu dài như suy thận.
Lời khuyên của thầy thuốc
Các bước làm giảm nguy có nhiễm trùng đường tiết niệu nhất là đối với phụ nữ: cần uống nhiều nước mỗi ngày, không nhịn tiểu mỗi khi buồn tiểu. Mỗi khi tiểu tiện hay khi đại tiện cần lau từ trước ra sau để tránh lây lan vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo, niệu đạo. Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Tránh kích thích niêm mạc đường sinh dục bằng việc dùng các loại sản phẩm xịt thơm, vòi xịt, phấn…
Ths.BS. NGUYỄN ĐÌNH LIÊN
Theo suckhoedoisong.vn