Cập nhật: 22/01/2018 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chính phủ liên bang Mỹ đã phải đóng cửa ngày thứ 2 liên tiếp sau khi dự luật chi tiêu tạm thời đã không vượt qua được cửa ải Thượng viện tối 19/1.

 

Trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: Adweek.

Nhằm cứu vãn chính phủ, trong hai ngày cuối tuần vừa qua các nghị sỹ Mỹ liên tục nhóm họp để thương lượng và dự kiến sẽ đưa dự luật trên ra bỏ phiếu lại vào phiên họp lúc 1h sáng ngày 22/1 (13h cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng các nghị sỹ Mỹ hôm 21/1 liên tục nhóm họp tìm kiếm giải pháp tháo gỡ bế tắc để chính phủ liên bang có thể nhanh chóng hoạt động trở lại. Triển vọng về một thỏa thuận đã được nhen nhóm khi các nghị sỹ cho biết các bên đã tìm được sự đồng thuận về thỏa thuận liên quan đến chi tiêu chính phủ và nhập cư.

Theo Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, Hạ viện nước này đã đồng ý sẽ thông qua dự luật ngắn hạn, tiếp tục cấp ngân sách cho chính phủ liên bang đến hết ngày 8/2 nếu Thượng viện Mỹ sẵn sàng thông qua.

Trong khi đó, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cũng cho biết, Thượng viện Mỹ sẽ nhóm họp trở lại vào 1h sáng 22/1 (13h cùng ngày theo giờ Việt Nam) để bỏ phiếu thông qua dự luật trên.

Trước đó, chính phủ liên bang Mỹ hôm 20/1 đã phải đóng cửa vì dự luật chi tiêu tạm thời đã bị Thượng viện Mỹ bác bỏ khi không có đủ 60 phiếu ủng hộ do đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa kiên quyết bảo vệ đạo luật nhập cư DACA. Đạo luật giúp những người nhập cư bất hợp pháp đến Mỹ từ nhỏ khỏi nguy cơ bị trục xuất.

Mặc dù thiệt hại kinh tế của việc chính phủ đóng cửa có thể lên đến cả tỷ USD mỗi ngày, nhiều cơ quan chính phủ phải ngừng hoạt động nhưng các hoạt động thiết yếu như an ninh quốc gia, quân đội, kiểm soát không lưu, cấp cứu y tế… vẫn hoạt động bình thường.

Trước đây, chính phủ Mỹ đã nhiều lần phải đóng cửa, nhưng đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ phải đóng cửa khi một đảng nắm đa số tại cả hạ viện và thượng viện Mỹ. Điều này cho thấy mâu thuẫn giữa các đảng và trong nội bộ đảng đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, mặc dù có các tín hiệu tích cực nhưng không rõ liệu Tổng thống Trump, luôn tuyên bố mình là nhà đàm phán giỏi, có vượt qua được trở ngại này không./.

Theo Vũ Hợp/VOV.VN - Washington

Tệp đính kèm