Năm hết, Tết đến. Cưỡi gió vượt sóng, Xuân sớm lại theo những chuyến tàu nặng tình đất mẹ, ra với các trạm gác tiền tiêu máu thịt. Và tôi, may mắn tột cùng khi được tham gia hải trình đẫm yêu thương ấy, tôi tận hưởng từng dập dềnh nghiêng lắc, từng nồng ấm mặn mòi, quanh boong tàu HQ996 nhuộm hoàng hôn rực vàng.
Cán bộ, chiến sĩ đảo Ðá Lớn C trang trí bàn thờ đón Tết.
Tình đất mẹ
Sóng dồn gió dập. Tàu lớn phải neo xa ngoài đảo. Những phần quà chỉ có thể được mang vào đảo bằng xuồng nhỏ. Chân ghì vào thành xuồng, môi bặm lại, tay kéo căng dây thừng. Mỗi đầu xuồng là hai chiến sĩ hải quân, sẵn sàng kéo sát chiếc xuồng trở lại bên mạn tàu sau từng con sóng lớn. Gió rít không ngừng. Người lính trẻ gồng mình kìm chiếc xuồng chỉ chực chồm lên hạ xuống hàng mét giữa đại dương. Cứ mỗi thùng quà Tết vuông vắn được chuyển xuống, kệ bàn tay rát đỏ, mắt các anh lại lấp lánh. Chân mày giãn ra đôi chút. Một tay buông nhẹ, người hạ thấp. Tay còn lại xoa xoa vào đùi, sẵn sàng nghênh đón con sóng tiếp theo.
"Ở đảo nổi, cuộc sống của người lính gần gũi hơn với đất liền vì còn có người dân, trẻ nhỏ sinh sống. Nhưng ở đảo chìm lại khác. Mỗi anh em cũng như người thân trong một gia đình lớn. Cứ mỗi dịp áp Tết, háo hức ngập tràn, cán bộ chiến sĩ luôn mong ngóng từng ngày từng giờ. Tối tối, mỗi khi ngồi bên nhau tâm sự, nhìn về hướng cầu cảng, mọi người vẫn hỏi đùa nhau: Hướng nào thẳng tới quê nhà?" - anh Trần Minh Trung, thiếu tá, chính trị viên Cụm 2, đảo Sinh Tồn, thổ lộ.
Chuyến tàu cuối năm nối đất mẹ với đảo xa bao giờ cũng đặc biệt. Ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó, văn hóa Việt đâm chồi. Dù là giữa trùng khơi, Tết Việt nhất định vẫn phải đủ cây quất, khoanh giò, lá dong xanh, hoa mai vàng, cành đào thắm. Không chỉ vậy, những "cột mốc sống" trấn giữ biển trời Tổ quốc trên đại dương nhất định phải được đón Tết sung túc. Hơn 40 tấn rau, củ, quả, hàng chục hầm lạnh bảo quản thực phẩm và máy lọc nước biển theo tàu băng sóng là vì thế, dù có khó khăn đến mức độ nào. Ðó là tấm lòng đất liền gửi ra đảo xa, là nhiệm vụ phải hoàn thành với vùng biển thiêng liêng. Dù mùa này, biển không bao giờ lặng.
Tổ chức gói bánh chưng đón Tết.
Bởi vì ký ức gian nan chưa bao giờ phai mờ, kể cả khi buổi giao lưu văn nghệ đón Xuân Mậu Tuất sớm của cán bộ chiến sĩ trên đảo Ðá Lớn C và đoàn công tác vẫn đang rộn rã tiếng cười. Ðại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác số 2, ánh mắt ngời lên trên gương mặt dạn dày sương gió, bồi hồi: "Mưa Trường Sa lần nào cũng làm tôi xao xuyến. Cơn mưa sáng mồng 1 Tết năm 1996 - 1997, các bạn biết không, là món quà vô giá giúp xua tan đi nỗi lo của anh em về một năm mới thiếu nước. Mỗi đồng chí lúc bấy giờ chỉ có hai lít nước để sử dụng mỗi ngày". Hai lít. Ăn, uống, tắm, giặt… Chuyện không mới, nhưng được nghe trực tiếp khi nhìn sâu vào đôi mắt người lính biển, ly nước trên tay chợt dậy vị mồ hôi.
Những con tàu "lăn sóng từ hai phía"
"Em út" Nguyễn Trung Thu mới đến với đảo Ðá Lớn C năm rồi. Thu lúc nào cũng tươi cười. Thu thích chia sẻ về sự quan tâm của người chỉ huy trưởng mới quen trên tàu 996. Nhưng khi nhìn ra biển lớn, ánh mắt Thu vẫn thoáng xa xăm: "Hồi trước khi còn đi làm, suốt ba năm liền, em chẳng biết bữa ăn mẹ nấu như thế nào. Sau khi lên đảo, vừa gọi điện hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, em vừa khóc". Rồi Thu ngẩng lên, nhìn thẳng: "Nhưng em vẫn động viên gia đình yên tâm! Ở đây không có gì vất vả với em hết, mà còn là cơ hội tự lập, trải nghiệm cuộc sống hiếm có trong đời".
Niềm vui xuân sớm.
Thực tế cuộc sống trên đảo hiện nay đã gắn kết với đất liền hơn rất nhiều. Dù quy định cấm hạ sĩ quan và chiến sĩ không được sử dụng điện thoại di động, nhưng hằng tuần, hằng tháng, anh em vẫn được tạo điều kiện liên lạc với gia đình, người yêu và thường xuyên hơn nữa cứ mỗi dịp áp Tết. Trong khi mọi nhà đang nô nức sắm sửa đón Tết thì ngoài đảo cán bộ, chiến sĩ cũng mải mê, cuốn hút theo danh sách dài những hoạt động như chuẩn bị vật chất mô hình (sáng tạo bia bảng, bia bài... từ những vật chất được tận dụng trên đảo) nhằm quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu 2018. Công việc bộn bề, lịch xếp ken đặc. Mỗi cơn mưa bất chợt vùng đảo xa cũng vội vàng cuốn đi giây phút tư lự hiếm hoi.
Và chỉ còn vài tiếng nữa thôi, trước khi đến nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Ðá Lớn B trong năm tới, chiến sĩ Nguyễn Thừa Tiến đến từ thành phố biển Sầm Sơn đã bất ngờ nhắn gửi tới các đồng đội đã kề vai sát cánh suốt nửa năm trời nhập ngũ: "Trước khi ra Trường Sa, em rất hồi hộp vì chưa biết ngoài đảo ra sao, cuộc sống như thế nào. Giây phút chia tay sắp tới, em muốn gửi tới anh em học chung lớp Khẩu đội trưởng DKZ khóa 21 và các đồng chí trên tàu 996 lời chúc sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công". Tiến năm nay mới 19 tuổi. Ði nghĩa vụ tới giờ cũng hơn 11 tháng. Lời nhắn gửi chân thành, rất đỗi bình dị nhưng đầy bất ngờ của em đã làm tất cả đồng đội ngỡ ngàng trong xúc động. Những giọt nước mắt lấp ló trên khóe mi dù được gạt đi nhanh chóng, nhưng tình đồng đội thì bừng cháy mãnh liệt.
Niềm vui, tiếng cười và kể cả những giọt nước mắt ấy, tôi tin, sẽ là hành trang, là động lực phấn đấu theo Tiến đến với nhiệm vụ mới. Ðó cũng là những khía cạnh rất "người" của anh em lính biển mà tôi - cũng một "tân binh" của nghề, một "người mới" với Trường Sa - được chứng kiến, được chạm vào, được hòa nhịp lần này, để lưu thành kỷ niệm trong tâm khảm.
Tôi tựa lưng vào Thu, vào Tiến, vào những người lính trẻ - những người anh em vững vàng tay súng của tôi, cùng hát vang. Lời hát và làn hơi bật thẳng khỏi cổ họng đầy sảng khoái, vọng vào mênh mông, xua tan những u hoài khi nghĩ đến lúc chia tay. Họ ôm lấy tôi, kể cho tôi nghe những câu chuyện không cần đầu không cần cuối. Những câu chuyện mộc mạc, giản dị như hơi thở. Tôi hóa thân thành một chỉ dấu của đất mẹ. Họ trong tôi là hiện thân của cả biển trời.
Hẹn ngày trở lại, để lại được uống những tâm tình ấy, hát vang những bài ca ấy, hít thật sâu mùi vị Xuân sớm ấy, dưới cơn mưa Trường Sa...
Tàu 996 với trọng tải lên tới 2.050 tấn mang theo danh sách dài món quà Tết vô cùng thiết thực và kịp thời, đặc biệt nhằm góp phần khắc phục hậu quả của cơn bão số 16, nhanh chóng ổn định đời sống cán bộ, chiến sĩ: hơn 40 tấn rau, củ, quả các loại, 340 giò phong lan, 42 thùng giá thể, 42 cuộn bạt trồng rau tiết kiệm nước được gửi tặng từ Hiệp hội hoa Ðà Lạt, Công ty TNHH Hiếu Giang (tỉnh Lâm Ðồng) tặng 2.000 kg phân vi sinh và 350 kg đất dinh dưỡng; Công ty Năng lượng mặt trời Trung Nam tặng hai nhà kính để bộ đội trồng rau; Cán bộ, nhân viên Ðài Tiếng nói Việt Nam tặng 27 hầm lạnh bảo quản thực phẩm và 30 máy lọc nước biển; Câu lạc bộ "Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương" gửi tặng 57 thùng quà, 40 cây quất cảnh, 200 quả bưởi Diễn và 121 triệu đồng.
Bài và ảnh: ÐOÀN MINH PHÚ
Theo nhandan.com.vn