Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định chủ trương mọi chính sách tiền tệ năm nay đều hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
Năm 2017: Thành công của dự báo và điều hành
Nhìn lại năm qua của ngành ngân hàng Việt Nam, những người làm công tác điều hành “mạch máu” của nền kinh tế có quyền tin rằng những dự báo và tổ chức thực hiện trong năm 2017 đã khá sát với thực tế của thị trường tiền tệ.
Đó là thành công trong kiểm soát lạm phát (chỉ tăng 3,53% so với mục tiêu tăng 4%), tiếp tục tạo ra dư địa cho Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá điện, giá dịch vụ y tế…
Đó là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đặt ra (18%) và giảm được mặt bằng lãi suất cho vay từ 0,5-1% trong năm 2017.
Cùng với xu thế giảm lãi suất đầu ra, NHNN đồng thời đã tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế nói chung. Tất nhiên, khi giảm lãi suất cho vay thì quyền lợi của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải chịu ảnh hưởng ít nhiều. Mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra bình quân của các NHTM năm 2017 chỉ còn 2,6%, giảm thêm so với năm 2016 trước đó (mức chênh lệch bình quân của các TCTD quốc tế vào khoảng 3,5%).
Tỷ giá cũng đã trải qua một năm 2017 trong bầu không khí khá ổn định. Thị trường ngoại hối không có biến động, xáo trộn đáng kể. NHNN cũng có cơ hội mua thêm một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.
Nếu như trước đây hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) toàn ở trạng thái bán ròng thì từ năm 2016 đến nay đã chuyển sang trạng thái mua ròng. Điều này đã góp phần xóa dần yếu tố tâm lý về găm giữ ngoại tệ. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam đồng (VND) là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á.
Năm 2017 ngành ngân hàng đã hoàn thiện thêm một bước cơ bản khuôn khổ pháp lý hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong đó có Nghị quyết 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính Phủ.
“Siết” cho vay các lĩnh vực rủi ro
Khép lại năm 2017, tín dụng đã tăng trưởng 18,17% - vừa vặn hoàn thành mục tiêu đã định. Trong đó, một số khu vực cho vay tăng trưởng khá ấn tượng. Điển hình như khu vực nông nghiệp nông thôn (tăng 22,1% - chiếm 20% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), công nghiệp và xây dựng (tăng 21,57% - chiếm 32% tổng dư nợ), ứng dụng công nghệ cao (tăng 20%).
Nhìn tổng thể thì dòng vốn cho vay đã đi đúng vào các lĩnh vực ưu tiên. Có thể thấy xu hướng này qua các con số tăng trưởng giảm tốc tại khu vực cho vay có nhiều rủi ro như dự án BOT, BT giao thông (chỉ còn tăng 7,4%) hay đầu tư bất động sản (tăng 8,6%). Năm 2016 trước đó, cho vay bất động sản tăng đến 12,8%, còn cho vay BOT giao thông tăng đến 17,3%. Cả tỷ trọng dư nợ của 2 khu vực này đều đồng loạt giảm đi so với năm trước đó.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN ngay đầu năm nay đã phát thông điệp khẳng định ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất; lưu ý cho vay các lĩnh vực có rủi ro cao và nhạy cảm như dự án BOT, BT, cho vay chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng…
Chủ trương ổn định tỷ giá
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thì nhận định dù kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tiền tệ nói riêng mới có thêm một năm thuận lợi nhưng hãy còn đó nhiều thách thức vì độ mở cửa kinh tế Việt Nam hiện nay đã khá lớn. Các biến động trên thị trường quốc tế có thể ảnh hưởng tới thị trường trong nước. Do đó, nhà điều hành chính sách không thể mang tâm thế chủ quan. Căn cứ vào các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội thì NHNN xác định các mục tiêu hàng đầu vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (xử lý nợ xấu, ban hành các hướng dẫn cho Luật sửa đổi Luật các TCTD) và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, nhà điều hành chính sách tiền tệ sẽ theo dõi sát các diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa, theo dõi cả các dòng tiền ngân sách, dòng vốn từ nước ngoài để có chính sách tiền tệ phù hợp, đúng liều lượng và đúng thời điểm.
Về tỷ giá, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Thanh Hà cho rằng năm qua VND đã giữ được mức ổn định tương đối so với các đồng tiền khác. Bởi nếu tỷ giá không ổn định (dù tăng hay giảm) đều tác động bất lợi tới nền kinh tế.
Ví dụ, nếu tỷ giá tăng, xuất khẩu sẽ có lợi nhưng phần còn lại của nền kinh tế như nhập khẩu, đầu tư nước ngoài, vay nợ lại bị ảnh hưởng. Vì vậy, ở góc độ chính sách, NHNN chủ trương “giữ ổn định giá trị đồng tiền, ổn định tỷ giá trong chừng mực có thể”.
Chuyện tỷ giá VND-USD dao động như thế nào còn phụ thuộc vào cung cầu và thanh khoản của đồng tiền, vào chênh lệch lãi suất, kỳ vọng về tỷ giá và lạm phát của thị trường. Trong khi đó, năm 2018 được dự báo là năm mà cán cân thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực. Và đây chính là yếu tố thuận lợi cho Việt Nam khi muốn ổn định tỷ giá.
Thực tế cho thấy, ngay cả các định chế tài chính hàng đầu thế giới cũng khó mà dự báo được chính xác chuyển động của đồng USD khi những mối quan hệ thương mại chằng chịt giữa Mỹ và các nền kinh tế khác đã tạo nên rất nhiều ẩn số chi phối lên đồng tiền này. Thế nên, mới có chuyện năm ngoái dù giới đầu tư và chuyên gia tin rằng USD sẽ lên giá mạnh trước chính sách tăng lãi suất của FED và chủ trương “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump, vậy nhưng chốt lại năm 2017, đồng bạc xanh thậm chí còn trượt giá tới 9%.
Theo Phương Hiền/Chinhphu.vn