Khi tiết trời giá lạnh, việc lựa chọn và chế biến các món ăn nóng hổi là hết sức quan trọng, vừa có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường nhiệt lượng, ôn ấm tỳ vị chống lại thời tiết bên ngoài, đồng thời nâng cao sức đề kháng của cơ thể, phòng ngừa bệnh tật.
Tranh thủ cuối tuần, có nhiều thời gian, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số món ăn bài thuốc bổ dưỡng nguyên khí, tráng dương sinh tân, dưỡng da chống lạnh để cả nhà cùng thưởng thức.
Lẩu nhân sâm: Xương sườn heo 1kg, xương ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Nhân sâm 20g, hoàng kỳ 20g, hạt tiêu 3g, đinh hương 3g. Khi nước xương sôi hớt bớt bọt, cho nhân sâm đã được rửa sạch cùng với các vị thuốc trên vào nồi tiếp tục đun thêm 1 giờ nữa cho xương ra hết chất ngọt, nhân sâm và các vị thuốc tiết ra các chất bổ dưỡng thành nước dùng để nhúng các loại thịt như thịt dê, thịt gà, thịt lợn nạc, tôm..., ăn cùng rau thơm, ngồng cải, những loại rau mà bạn thích.
Lẩu nhân sâm.
Lẩu thịt dê: Xương dê 500g, thịt dê 1-2kg, nhân sâm 20g, kỷ tử 5g, đại táo 5g, ý dĩ 3g, bạch truật 3g, nấm hương 10g. Xương dê đem rửa sạch, cho vào nồi nước sôi chần sơ qua để loại bỏ bớt mùi hôi. Sau đó cho vào một nồi nước hầm, ninh để lấy nước dùng. Thịt dê rửa sạch, thái thành từng miếng mỏng, ướp với một ít gừng và rượu để khoảng 30 phút để khử bớt mùi của thịt dê. Tiếp theo, bạn lấy thịt dê ra, chắt bỏ nước gừng và rượu ướp thịt. Cho thịt dê vào nồi nước lẩu đun tiếp. Lẩu thịt dê ăn cùng rau cải, khoai môn, củ sen, đậu phụ tươi.
Lẩu gà trống: Gà trống 1 con, làm sạch, chặt miếng vừa ăn, xếp thịt gà lên đĩa. Phần đầu, cổ gà, chân cho vào nồi cùng với 500g xương heo, ninh lấy nước dùng làm nước lẩu. Nhân sâm 20g, hoàng kỳ 10g, cam thảo 3g, đại táo 3g, bạch quả 2g, nêm muối, hạt tiêu, gừng tươi, rượu cái cho vào nồi nước lẩu ăn cùng rau ngải cứu, cải cúc, đậu bắp, nấm tươi.
Ngoài lẩu nhân sâm, bạn có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc sau thích hợp trong mùa đông lại đơn giản dễ làm:
Canh mộc nhĩ với kỷ tử: Mộc nhĩ trắng 20g rửa sạch, kỷ tử 30g, hai thứ đem hấp với đường phèn rồi ăn nóng. (Rất thích hợp với những người mắc các bệnh đường hô hấp, da hay bị nứt nẻ vào mùa đông).
Canh mộc nhĩ với kỷ tử.
Bong bóng cá hầm: Bong bóng cá loại to, làm sạch rồi cho vào nấu chín, sau đó thái thành sợi, thêm gừng, gia vị vừa đủ, cho vào nồi hầm cùng với các loại thịt khác như thịt lợn, thịt bò, thịt dê... ăn nóng.
Bồ câu hầm: Chim bồ câu 1 con, ba kích, hoài sơn, kỷ tử mỗi vị 20g, thêm nước hầm mềm. (Món dược thiện này dược tính ôn nhiệt, những người có thể chất nóng trong không dùng).
Gà hấp gạo nếp: Gà làm sạch, thêm gia vị vừa đủ, hầm chín. Gạo nếp 500g, ngâm khoảng 3-4 giờ cho gạo mềm. Cho gạo vào vỉ, dưới đổ nước hầm gà, trên rải thịt gà đã hầm, đậy nắp, cho vào nồi hấp cách thủy, trước tiên đun to lửa cho sôi rồi vặn nhỏ lửa đun khoảng 50 phút là được, ăn thịt gà cùng với xôi.
Cháo gừng: Gạo tẻ 60g. Gạo vo sạch cho nước vừa đủ nấu thành cháo. Gừng tươi rửa sạch thái thành hạt nhỏ. Cháo chín cho gừng vào, nêm gia vị, hành lá, khuấy đều ăn nóng.
Canh cá chép đậu đỏ: Cá chép tươi 500g, đậu đỏ 100g, vỏ quýt, gừng tươi, vừa đủ, nấu thành canh, ăn nóng.
Theo ThS.BS. Lê Thị Hương
suckhoedoisong.vn