Cập nhật: 03/02/2018 10:02:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

EU rất cần duy trì nguồn quỹ để phát triển kinh tế, tăng tính cạnh tranh, cũng như đảm bảo sự đoàn kết, bền vững trong khối.

 

Ủy viên phụ trách vấn đề ngân sách của Ủy ban Châu Âu Günther Oettinger. Ảnh: Spiegel.

Ngày 2/2, tại một cuộc họp diễn ra tại thủ đô Budapest của Hungary, các nước thuộc khối Đông Âu cũ đã đồng ý tăng đóng góp cho ngân sách của Liên minh châu Âu nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn tài chính sau khi Anh rời khỏi khối vào tháng Ba năm tới.

Bù đắp khoản thiếu hụt cho ngân sách của Liên minh Châu Âu, dự kiến khoảng 12 tỉ euro một năm, sau khi Anh rời khỏi khối, là chủ đề gây tranh cãi trong nội bộ EU trong thời gian vừa qua. Các nước Tây Âu, vốn là những nước đóng góp chủ yếu, không muốn bù đắp khoản thiếu hụt này, trong khi các nước thuộc khối Đông Âu cũ, vốn là những nước nhận viện trợ nhiều nhất, lại không muốn nguồn trợ cấp hàng năm từ EU bị cắt giảm.

Mặc dù vậy, bế tắc dường như đã được khơi thông một phần khi tại một hội nghị cấp bộ trưởng khu vực diễn ra ngày 2/2 tại thủ đô Budapest của Hungary, 8 nước khối Đông Âu cũ bao gồm Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Slovenia, Croatia, Bulgaria và Romania đã đồng ý tăng đóng góp cho ngân sách của EU, và khoản tăng này có thể sẽ dao động ở mức từ khoảng 1% tổng thu nhập quốc dân (GNI) hiện nay lên 1,1% trong tương lai gần.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Ủy viên phụ trách vấn đề ngân sách của Ủy ban Châu Âu Günther Oettinger hoan nghênh thiện chí của tám nước khối Đông Âu, đồng thời cho rằng EU rất cần duy trì nguồn quỹ để phát triển kinh tế, tăng tính cạnh tranh, cũng như đảm bảo sự đoàn kết, bền vững trong khối, cũng như giải quyết các vấn đề khác như khủng hoảng người nhập cư, bảo vệ biên giới và an ninh khu vực.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Bộ Tài chính Bulgaria ra tuyên bố phủ nhận thông tin của nước này đồng ý tăng đóng góp cho EU. Bulgaria cho rằng một quan điểm như vậy vẫn chưa được thảo luận dưới bất kỳ một khuôn khổ đàm phán chính thức nào giữa các nước thành viên và Ủy ban Châu Âu.

Kể từ tháng 1/2018, Bulgaria đã bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu trong vòng 6 tháng. Dự kiến nước này sẽ tổ chức hai hội nghị về ngân sách của EU vào tháng 3 và tháng 6/2018./.

Theo PV/VOV.VN - Praha

Tệp đính kèm