Cập nhật: 07/02/2018 14:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào dịp cuối năm, nhất là những ngày lễ, Tết; các doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối hàng hóa thường đua nhau đưa ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá sốc nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Bên cạnh những DN làm ăn chân chính, hiện có không ít trường hợp cố tình sử dụng các chiêu trò như tạo “giá ảo”, đưa hàng kém chất lượng vào hệ thống bán hàng khiến người tiêu dùng bức xúc.

Người tiêu dùng mua sản phẩm điện tử tại siêu thị điện máy Media Mart (Hà Nội).

Ðua nhau "giảm giá"

Tại hệ thống siêu thị điện máy Media Mart đường Nguyễn Trãi (Hà Ðông - Hà Nội) hàng loạt các sản phẩm được quảng cáo giảm giá từ 10% cho đến 50% đã thu hút lượng đông khách hàng đến tham quan, mua sắm hàng hóa. Ngoài mức giá ưu đãi, khi mua ti-vi, tủ lạnh, máy giặt các loại khách hàng còn được nhận thêm bộ quà tặng lên tới gần 15 triệu đồng cùng phiếu mua sắm 300 nghìn đồng, tài trợ trả góp 0% lãi suất và giao hàng chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Anh Nguyễn Tâm Chiến, nhân viên bán hàng ở đây cho biết, với tổng ngân sách khuyến mãi của công ty trong dịp Tết Nguyên đán lên tới 15 tỷ đồng đã thu hút lượng khách đến mua đông hơn mọi năm gần 30%. Bên cạnh một số sản phẩm mới, giữ nguyên giá bán; có một số mặt hàng giảm giá mạnh như bộ bàn ghế sô-pha giảm 50%, với giá bán trung bình từ 28,5 triệu đồng đến 69,5 triệu đồng/bộ; ti-vi Sony loại 49W660E giảm 23%, từ 18,4 triệu đồng xuống còn 14,2 triệu đồng; Sony loại 55X7000E, giá niêm yết 25,4 triệu đồng giảm còn 19,9 triệu đồng,… Tương tự, tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim chương trình khuyến mãi dịp Tết được áp dụng giảm giá từ 10% đến gần 20% cho các sản phẩm ti-vi, tủ lạnh, máy giặt,… Trần Mạnh Tuấn, một nhân viên bán hàng cho biết, vào mỗi dịp lễ, Tết, công ty đều có các chương trình khuyến mãi nhằm tri ân khách hàng. Trong đó, nguồn hàng đã được công ty lên kế hoạch, chuẩn bị từ lâu, do vậy các siêu thị trực thuộc không lo bị đứt… nguồn cung. Về lượng cầu, do kinh tế khởi sắc, người dân đi mua hàng dịp cuối năm tăng hơn 20% so năm ngoái. Ðặc biệt, xu thế tiêu dùng cũng có sự thay đổi khi người dân thường lựa chọn những dòng sản phẩm có mức giá từ 15 đến 30 triệu đồng chứ không chọn các sản phẩm có mức giá từ 5 đến 10 triệu đồng như trước.

Không chỉ ở những siêu thị điện máy, trung tâm thương mại mà các cửa hàng bán đồ gia dụng, quần áo thời trang trên các tuyến phố của Hà Nội cũng thi nhau giảm giá sốc nhằm lôi kéo khách hàng. Ðặc biệt, đối với những dòng áo khoác, khăn len mùa đông được các cửa hàng quảng cáo giảm giá 70 đến 80%, với giá bán thực tế từ 99 đến 199 nghìn đồng/sản phẩm. Chị Nguyễn Thu Hằng, trú tại phường Ðồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) cho biết, mặc dù các cửa hàng, siêu thị quảng cáo giá khuyến mãi "siêu khủng" nhưng giá thực tế ra sao không phải ai cũng biết. Ðó còn chưa kể tới, liệu những sản phẩm, hàng hóa này có bảo đảm về mặt chất lượng? Cũng theo chị Hằng, bản thân chị chưa gặp nhưng đã có rất nhiều bạn bè, người thân gặp phải sự cố khi mua hàng khuyến mãi mà chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ không như nhà sản xuất, phân phối quảng cáo. Không chỉ chất lượng sản phẩm tồi, khi sử dụng rất tậm tịt mà ngay cả lúc khách hàng phản ánh sự cố tới cửa hàng, siêu thị nhưng họ lại tìm cách chối bỏ trách nhiệm hoặc hẹn rồi bỏ đấy.

Chỉ là chiêu "nâng lên, hạ xuống"

Do nắm bắt được tâm lý khách hàng, đặc biệt là xu thế thích hàng giảm giá của một số người dân Việt, thời gian qua hàng loạt các DN, nhà sản xuất, phân phối hàng hóa đã không ngừng đưa ra các chương trình khuyến mãi với các khẩu hiệu như: "Giảm giá cực sốc - Cơn lốc hàng hè; Tết xả hết hàng; Nhận quà đón Xuân - Khuân hàng giảm giá,…". Ðiều đó cho thấy sự nỗ lực của các DN, nhà sản xuất phân phối hàng hóa trong việc đẩy mạnh nguồn cung nhằm thỏa mãn sức mua của người tiêu dùng. Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng cũng đã được thụ hưởng những hình thức khuyến mãi của các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những DN làm ăn chân chính, có uy tín trên thị trường, hiện tồn tại không ít trường hợp vì lợi nhuận mà bất chấp các quy định của pháp luật, cố tình trà trộn những hàng hóa không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vào hệ thống nhằm phân phối tới tay người tiêu dùng. Anh Tạ Việt Hùng, giám đốc một DN chuyên sản xuất thiết bị vệ sinh trên địa bàn Hà Nội cho biết, vấn đề giá của các sản phẩm hiện rất khó quản lý. Mỗi tháng công ty anh cung cấp vào các hệ thống siêu thị hàng trăm nghìn bộ sản phẩm lau chùi vệ sinh để bán kèm các sản phẩm chính của các DN, nhà sản xuất khác. Muốn có lãi, bắt buộc DN phải tăng giá bán sản phẩm chính để bù giá sản phẩm bán kèm, chứ thực chất không có chuyện được khuyến mãi như người tiêu dùng lầm tưởng. Do vậy, thực chất của câu chuyện giá chỉ là vấn đề "nâng lên, hạ xuống" nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.

Anh Hùng cũng cho rằng, trước sự cạnh tranh gay gắt, một số DN sẵn sàng nhập sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc về dán nhãn mác của các thương hiệu có uy tín rồi đem ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Nếu các cơ quan chức năng không tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm thì quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm phạm và các DN làm ăn chân chính sẽ ngày càng khó cạnh tranh hơn. Liên quan tới câu chuyện hàng khuyến mãi, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cảnh báo, người dân cần thật sự sáng suốt trong lựa chọn, mua bán sản phẩm. Bởi vì vấn đề nổi lên nhất hiện nay là "giá ảo", người ta có thể nâng lên, hạ xuống, nói là giảm giá 10 đến 50% nhưng khi mua xong hàng đem so sánh giá trên thị trường nhiều người bị "té ngửa" khi phát hiện mình bị mất tiền oan từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng. Chính vì vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ, không để doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh làm tùy tiện, gây hại cho người tiêu dùng. Trách nhiệm cụ thể là Sở Công thương, người đứng đầu các quận, huyện, xã, phường. Trên thực tế, các cơ quan chức năng hiện chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ðặc biệt, sự minh bạch, công khai là hết sức cần thiết trong lĩnh vực bán lẻ, khuyến mãi hiện nay.

Bài và ảnh: QUỲNH CHI

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm