Cập nhật: 07/02/2018 14:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tết Nguyên đán đang tới gần, cũng là lúc sức mua trên thị trường tăng cao khiến những đối tượng xấu lợi dụng đẩy mạnh sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) cần tăng cường kiểm tra tại các khu vực, địa bàn trọng điểm, các trung tâm thương mại, nơi tập kết hàng hóa lớn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm. 

Lực lượng chức năng Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn) kiểm tra hàng hóa thông quan.

Hàng rởm vào mùa

Theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, vào những ngày này tại các cửa hàng, chợ hay trung tâm thương mại, các trang bán hàng trực tuyến, hoạt động quảng cáo bày bán sản phẩm đều diễn ra sôi động. Các sản phẩm được trưng bày với đủ các thương hiệu từ bình dân đến cao cấp như mắt kính, túi xách, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… Tuy nhiên, điểm giống nhau của hầu hết các sản phẩm này là không có nhãn mác hoặc nếu có đều rất mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Khảo sát tại tuyến phố Chùa Bộc (Hà Nội), đảo qua một số cửa hàng, chúng tôi nhận thấy, có rất nhiều sản phẩm mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Zara, Nike, Adidas, Giordano, Massimo Dutti,… bày bán tràn lan nhưng có mức giá rẻ ẩn dưới cái tên hàng Việt Nam xuất khẩu hay hàng giảm giá cuối năm. Còn tại một cửa hàng chuyên bán phụ kiện thời trang trên phố Bà Triệu (Hà Nội), cầm một chiếc ví hiệu Gucci trên tay, chúng tôi được nhân viên bán hàng ở đây cho biết, đây là hàng "super fake" (giống hàng thật đến 90%), nhưng giá lại chỉ khoảng 800 nghìn đồng, chỉ bằng một phần mười hàng thật. Theo nhân viên bán hàng, ở đây phần lớn là hàng "super fake" đặt các xưởng sản xuất bên Trung Quốc làm nhái theo mẫu bất kỳ của các thương hiệu lớn, chỉ cần khách đưa mẫu ưa thích là cửa hàng có thể đặt xưởng làm giống hệt, từ chất liệu đến kiểu dáng.

Có thể thấy, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng QLTT trên cả nước liên tục phải đối mặt với tình hình gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, nhái "vào mùa" hoạt động mạnh nhất trong năm với nhiều phương thức thủ đoạn, tinh vi, táo bạo, phong phú về chủng loại, gây khó khăn cho việc kiểm soát và xử lý. Hàng giả, nhái không chỉ còn là các mặt hàng tiêu dùng như thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng,… mà có cả những sản phẩm thiết yếu hằng ngày như thực phẩm cũng đều bị làm giả, nhái hết sức tinh vi, với giá rất rẻ được bày bán công khai trên thị trường đã từng bị dư luận và báo chí phản ánh nhiều lần. Hàng giả, hàng kém chất lượng ngoài việc gây thiệt hại về kinh tế, còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng (NTD). Ðây được xem là câu chuyện chưa bao giờ hết "nóng", đòi hỏi công tác kiểm tra, kiểm soát, cũng như phòng, chống của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát thị trường phải đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Diễn biến phức tạp

Theo Cục QLTT (Bộ Công thương), năm 2017, lực lượng QLTT trên cả nước kiểm tra gần 165 nghìn vụ, phát hiện, xử lý hơn 103 nghìn vụ vi phạm; tổng thu nộp ngân sách hơn 511 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu hơn 215 tỷ đồng; số hàng hóa bị tiêu hủy trị giá 206 tỷ đồng. Tuy kết quả đạt được là đáng khích lệ, nhưng nhìn chung, theo Cục trưởng QLTT Trịnh Văn Ngọc, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, cách thức hoạt động tinh vi, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, nơi có sức tiêu thụ cao. Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng chủ yếu đặt làm giả hàng hóa từ nước ngoài rồi sau đó vận chuyển trái phép vào Việt Nam và bán cho các cơ sở lén lút gia công, đóng gói, sản xuất ngay trong nước. Các đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật một cách tinh vi, nếu nhìn qua khó nhận biết hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa nơi trình độ dân trí còn thấp để tiêu thụ. Ðiều này gây nguy cơ ảnh hưởng xấu đến đời sống, sức khỏe NTD.

Chi cục trưởng QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện nay, ngoài việc làm giả hàng của những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả hàng có thương hiệu tốt trong nước, được NTD ưa chuộng. Nắm bắt tình hình, Chi cục đã chỉ đạo các đội QLTT ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; chú trọng kiểm tra chặt chẽ chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa và những mặt hàng phục vụ tiêu dùng với số lượng lớn trong dịp cuối năm như bánh kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, hoa quả, lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến...; tích cực kiểm tra tại các chợ phiên ở khu vực nông thôn nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NTD để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; chú trọng kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại khu vực các chợ, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các bếp ăn tập thể và các cơ sở chế biến thức ăn chín, thức ăn đường phố,… nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên địa bàn thành phố, bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm quyền lợi NTD.

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ các ngành chức năng nắm chắc địa bàn, đánh giá sát tình hình để có những giải pháp cụ thể đấu tranh có hiệu quả với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng,… góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD, từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong thời gian tới, lực lượng QLTT cần làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng giả, nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công tác này cần làm thường xuyên, liên tục, đấu tranh có trọng điểm, nhất là phải thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ngành để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn nữa. Đồng thời, cần nâng cao nghiệp vụ, trách nhiệm của từng cán bộ; quy trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.

Đỗ Thắng Hải

Thứ trưởng Công thương

Theo Bài và ảnh: MINH KHÔI

nhandan.com.vn

Tệp đính kèm