Cập nhật: 09/02/2018 15:18:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chức năng của tuyến tiền liệt (TTL) phần lớn là sản xuất ra tinh dịch để vận chuyển tinh trùng. Thông thường tuổi càng cao thì TTL càng to ra nên gọi là phì đại TTL.

Tuyến tiền liệt (TTL) là một bộ phận rất nhỏ, nằm ngay dưới bàng quang và trước trực tràng của nam giới. Khi mới sinh thì TTL nặng khoảng vài gram nhưng đến tuổi trưởng thành do tác động của nội tiết tố nên có trọng lượng khoảng 20 gram... Chức năng của TTL phần lớn là sản xuất ra tinh dịch để vận chuyển tinh trùng.

Thông thường tuổi càng cao thì TTL càng to ra nên gọi là phì đại TTL (u xơ TTL, bướu lành TTL). Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của sự lão hóa cơ thể. Tuy nhiên làm thế nào để biết TTL có vấn đề?

Sỏi bàng quang

Ảnh hưởng của phì đại tuyến tiền liệt

Sự phì đại TTL chèn ép niệu đạo (ống tiểu) và gây nên những rối loạn về đi tiểu. Khi phát triển lớn, u xơ sẽ gây chèn ép làm bế tắc ống tiểu và đôi khi còn kèm đau khi tiểu tiện. Đây là lúc TTL có trạng thái bệnh nên mọi người cần phải chú ý.

Khi nào tuyến tiền liệt có vấn đề?

Thông thường những người cao tuổi bị phì đại TTL sinh lý do tuổi tác, nếu chỉ thấy những dấu hiệu nhẹ như hay tiểu tiện nhiều hơn so với thời trẻ thì chưa phải là bệnh nên không cần phải điều trị. Tuy nhiên nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như: tiểu gấp, đêm phải đi tiểu nhiều lần, phải rặn khởi động, tia nước tiểu yếu, tiểu xong có cảm giác là tiểu chưa hết, phải đi tiểu lại trong vòng chưa đầy 2 giờ, khó đi tiểu, tiểu đau buốt... thì đó là dấu hiệu bệnh lý nên cần phải đi khám ở bác sĩ chuyên khoa tiết niệu ngay. Khi khám thì bác sĩ có thể khám bằng cách thăm dò trực tiếp trực tràng, siêu âm, chụp hình hệ niệu có cản quang, làm các xét nghiệm tổng quát để đánh giá tình trạng chung của người bệnh.

Người bệnh phải lọc máu do suy thận

Các biến chứng có thể gặp của bướu lành tính TTL: Sỏi bàng quang, nhiễm trùng niệu tái đi tái lại, bí tiểu mạn tính, suy giảm chức năng thận... và có thể suy thận.

Điều trị bệnh tuyến tiền liệt thế nào?

Sau khi bệnh nhân được khám, làm xét nghiệm và chẩn đoán thì bác sĩ sẽ cho biết là nên điều trị nội khoa hay phải phẫu thuật (dùng thuốc hay mổ). Ngày nay có nhiều loại thuốc giúp cải thiện đáng kể tình trạng rối loạn đi tiểu của người bệnh, cũng như có nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa. Nói chung là tùy theo thể trạng người bệnh, kích thước bướu và bướu có gây biến chứng gì lên đường tiết niệu hay chưa... mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị thích hợp.

 

Hình ảnh thận bị suy

Một điều cần lưu ý đối với người cao tuổi (từ 45 tuổi trở lên) rằng, bướu lành TTL là căn bệnh không thực sự nguy hiểm nhưng muốn điều trị hiệu quả, tránh biến chứng... thì người bệnh cần phải đi khám bác sĩ thật sớm khi thấy có những triệu chứng như kể trên. Tuyệt đối không nên tự mua thuốc và tự điều trị ở nhà khiến bệnh càng nặng hơn, thậm chí còn nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Vì thực tế hiện nay, ngay cả khi đã mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời theo chỉ dẫn của thầy thuốc thì người bệnh vẫn có thể kéo dài tuổi thọ.

 

Theo BS. Dương Thế Tài/suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm