Ở nơi chỉ có dư nắng, dư gió và sóng vỗ ngàn đời… xuân vẫn ngời lên từ những chắt chiu của người chiến sĩ, những mầm rau xanh mướt, những giò lan đua sắc thắm. Đời quân ngũ, ghi dấu thêm một cái Tết Mậu Tuất ý nghĩa, cùng chung nhịp đập với đất mẹ trong thời khắc thiêng liêng. Trường Sa không xa, là thế!
Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn trồng cây phủ xanh trên đảo.
Mầm xanh sau những tấm gỗ mòn
Không khó để nhận ra tấm biển đỏ “Vườn rau thanh niên” nằm sát phía ngoài nơi ở của những người lính trên đảo chìm Đá Lớn A. Tấm bảng cũ kỹ bị bào mòn bởi nắng mưa nằm ngay ngắn trên bức tường được tạo nên từ những tấm tôn cũ và gỗ thừa.
Gọi là vườn “oai” vậy, chứ thực ra rau được trồng trong từng chậu nhỏ bằng nhựa hay xốp đặt sát bên nhau, với nhiều chủng loại từ mùng tơi, rau mầm, rau cải tới sả, ớt... Bên ngoài “hiu hắt”, nhưng bên trong tốt tươi đến ngỡ ngàng. Nhìn từng lớp chồi non, cành lá xanh mơn mởn, những liên tưởng và thấm thía tới từng giọt mồ hôi công sức chăm sóc, chống chọi với thời tiết khí hậu khắc nghiệt của những người lính trên đảo chìm cứ tự nhiên ập đến.
Mưa nhiều, cải thối rễ. Nắng to, cải vươn lên xanh rờn, nhưng nước ngọt sinh hoạt và tưới rau cũng theo đó mà khan hiếm từng ngày. Trồng được một chút rau nơi đảo chìm nhỏ bé cực khổ hơn nơi khác gấp bội phần. Ấy thế mà, lá cải vẫn vươn dài, nhành mồng tơi vẫn leo cao, có lá còn to bằng vành mũ cối. Kỳ diệu! Từng nhành cây, từng mầm lá như cũng thấu hiểu tấm lòng người chiến sĩ.
Khó khăn bao nhiêu, anh em lại cố gắng bù đắp cho vườn rau bấy nhiêu. Trồng rau công phu lắm, phải chắt chiu từng nhúm đất, từng hạt phân vi sinh để rau sinh trưởng. Mỗi ca nước sinh hoạt, nước rửa mặt đều không được đổ đi mà phải dành lại để tưới rau. Mỗi góc nhà khuất gió cũng được trưng dụng triệt để, che đỡ cho những mầm rau mỏng mảnh.
“Sóng gió liên miên nên vườn rau được che đậy kỹ càng” - chiến sĩ Đàng Văn Thảo Luận, công tác trên đảo Đá Lớn B, bộc bạch - “Bão vừa qua rất lớn. Dù có che bạt che lưới để tránh gió, nhưng những bồn cây yếu vẫn phải bê hết vào trong nhà. Có vậy, vườn rau mới xanh tốt như bây giờ”.
Thế mà, như bác sĩ quân y trên đảo Đá Lớn A Hoàng Anh Tuấn tiếc nuối: “Mồng tơi đợt vừa rồi không chuyển được vào nhà nên chết nhiều lắm. Rau xanh ở đất liền là thứ rất đỗi bình thường nhưng đối với mỗi người lính đảo, mảnh vườn này còn quý hơn cả cơm, thịt”.
Chiến sĩ đảo Đá Lớn A chăm sóc vườn rau thanh niên.
Nâng niu sắc hoa từ đất mẹ
Chia tay vườn rau thanh niên nơi đảo chìm nhỏ bé, chúng tôi đến với đảo Sinh Tồn - đảo nổi đầu tiên và cũng là lớn nhất trong chuyến hành trình lần này. Đặt chân lên con đường vào đảo, ngay lập tức, chúng tôi đã phải “mắt tròn mắt dẹt” với những chiếc xe phủ đầy hoa xếp hàng nối nhau. Xe đẩy cút kít, xe ba gác, xe đạp, xích lô... Những thanh sắt cũ được tận dụng, uốn nắn rồi hàn lại với nhau để tạo hình chừng ấy loại xe. Những mầm xanh rực rỡ. Những mầu hoa lung linh. Khung cảnh vùng đảo xa ngày mưa gió chợt bừng hương sắc, và gần gũi như thể một khu vườn bình yên nơi đất mẹ.
Ngỡ ngàng với vẻ đẹp cũng như tên gọi của loài cây phong ba, bão táp lừng danh. Hồi hộp khi lần đầu được tận mắt chứng kiến hoa bàng vuông nở trong đêm Trường Sa mưa gió. Song, ngoài mong đợi, điều hấp dẫn tôi hơn cả khi đến với đảo Sinh Tồn lại chính là vẻ đẹp của những giò hoa lan dưới tán phong ba.
Chùm vũ nữ khoe sắc vàng rạng rỡ bên cạnh mầu hoa tím đằm thắm của cành lan hồ điệp. Tất cả hơn 80 giò lan, và giàn lan ấy đã ra hoa được ba năm rồi. Vốn là một loài hoa đỏng đảnh, khó chăm, khó chiều, nên cái thú “chơi lan” nơi đất liền vốn cũng đã đòi hỏi nhiều công sức. Mà đây còn là đảo xa! Giữa đại dương, muối biển cùng những cơn giông bão bất ngờ khiến rau xanh được che chắn kỹ càng còn tàn lụi, mà hoa lan vẫn tươi thắm đến như vậy, thì phải đổi bằng bao nhiêu tâm huyết?
Trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn “bật mí”: “Chăm lan đòi hỏi sự tinh tế và cẩn thận hơn các loại cây khác nhiều. Những giò lan dưới tán cây phong ba này, mỗi khi có bão, anh em đều phải sơ tán ngay vào phòng, treo trên dây phơi quần áo của chiến sĩ. Nước để tưới lan nhất định phải là nước sạch chứ không được dùng lại nước bẩn. Chỉ cần sơ ý dính chút nước biển là cây rụng lá liền”.
Người lính đảo quý lan vô cùng. Dù có thiếu thốn, các chiến sĩ vẫn chia sẻ cùng lan những giọt nước quý giá, chỉ mong những cành hồ điệp, vũ nữ, long nhãn... còn đang lặng lẽ ủ mình này bật nở những chùm hoa rực rỡ, làm vợi đi nỗi nhớ đất liền.
Trong ngày sóng gió trên con tàu HQ 996, một người bạn đã từng giới thiệu với tôi bài thơ “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. “... Chúng tôi ngồi ôm súng đợi mưa rơi/ Lòng thắc thỏm niềm vui không nói hết/ Mưa đi! Mưa đi! Mưa cho mãnh liệt/ Mưa lèm nhèm chúng tôi chẳng thích đâu...”.
Mấy năm trở lại đây, mưa bão diễn ra liên tục, nước sạch đã không còn quá khó khăn nhưng chăm sóc lan trong những cơn bão táp ở Trường Sa lại chẳng dễ dàng hơn chút nào. Giàn lan được nâng niu cẩn thận vẫn đều đặn ra hoa theo năm tháng, như một vẻ đẹp dịu dàng từ đất liền tô điểm cho vùng đảo xa.
Tôi nghe đâu đó tiếng leng keng vui tai phát ra từ chiếc chuông gió được làm bằng những vỏ đạn rỗng trong căn phòng gần kề. Bữa tiệc tất niên sớm, tràn ngập tiếng cười. Bên cạnh sắc mai vàng và cây quất sai trĩu quả từ đất liền còn nổi bật thêm cả cây “hoa ốc” tinh tế độc đáo mà các anh đã hết sức kỳ công và khéo léo tạo thành.
Hình ảnh người lính trẻ gạt đi giọt mồ hôi trên trán, cần mẫn tưới rau, chăm hoa hay nét mặt rạng rỡ của anh em khi chuyền tay nhau từng thùng quà tết gửi gắm trong đó biết bao tình cảm từ đất liền cũng khiến tôi tự thấy ấm lòng. Dù còn muôn vàn gian khổ, thử thách phía trước, nhưng với những chiến sĩ ngời sức trẻ ấy, hẳn sẽ xuất sắc vượt qua, vững tay súng bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Kiên cường và tận tụy, như cách các anh bảo vệ những chồi rau biếc, những mầu hoa kia!
Chăm sóc hoa lan trên đảo Sinh Tồn.
Theo Bài và ảnh: MINH PHÚ/nhandan.com.vn