Di tích đình Hồng Thái, thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pắc Bó - Cao Bằng về Tân Trào - Tuyên Quang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đình Hồng Thái là trạm liên lạc đặc biệt quan trọng của Ban Bảo vệ ATK.
Đình Hồng Thái và những giá trị lịch sử
Đình Hồng Thái được dựng lên để đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Tày miền núi.
Đình Hồng Thái cũng như bao ngôi đình khác là nơi thờ thần Thành hoàng, nhưng các Thành hoàng của đình là các Thần Sông, Thần Núi. Ngoài ra đình Hồng Thái còn thờ Công chúa Ngọc Dung và vị anh hùng giải phóng dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đình thờ 11 vị thần thành hoàng: gồm Thần núi, Thần sông chấn xung quanh khu vực Hồng Thái (Nhiên thần). Ngoài việc thờ cúng và là nơi tổ chức lễ hội, đình còn là nơi vui chơi hội họp bàn công việc tập thể (gọi là việc làng) của nhân dân trong xã. Ngoài những công việc chung của làng thì trước cách mạng, đình còn là nơi tụ tập chơi cờ bạc, tập trung dân để thu, nộp các loại thuế khoá cho bọn lí trưởng (vào thời kỳ thực dân, phong kiến)…
Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đình Hồng Thái thường được Bác Hồ, các đồng chí cán bộ hoạt động cách mạng, làm nơi tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia vào các phong trào cách mạng ở địa phương.
Trong kháng chiến, đình Hồng Thái vinh dự được Bác Hồ ghé thăm và nhiều lần đến dự các cuộc họp của Chính phủ. Đầu năm 1951, trên đường đi công tác Bác Hồ đã vào thăm đình trong lúc bà con nông dân đang học chính sách thuế nông nghiệp tại đình.
Cũng tại đây, đình Hồng Thái còn là trụ sở của Ban An toàn khu và là nơi làm việc của bộ phận tiếp tế ATK. Sau khi bộ phận này chuyển đi, đơn vị bộ đội bảo vệ đặt trụ sở tại đây.
Như vậy, đình Hồng Thái không những là nơi sinh hoạt văn hoá, hội hè mà còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Giá trị kiến trúc đình Hồng Thái
Đình Hồng Thái được xây dựng theo hình chữ nhất (-), cấu trúc của đình mang dáng dấp của một ngôi nhà sàn miền núi. Đình Hồng Thái được làm bằng gỗ, có chiều dài là 16,50m, chiều rộng là: 7,50m. Gồm 3 gian và 2 chái, 6 hàng cột với 28 cây cột, trong đó có 8 cột cái, đường kính: 0,45m, dài: 4,60m; 16 cột quân, đường kính: 0,35m, dài: 3,40m và 4 cột vuông để đỡ phía trước sàn thượng cung, bề mặt rộng: 0,30m, dài 3,35m, tất cả các chân cột đều có đá kê chân, đá có hình tròn, mặt phẳng; tảng kê chân cột cái có đường kính: 0,50m; tảng kê chân cột quân: 0,54m (chiều cao toàn bộ: 0,20m).
Phía trên đầu cột là các vì kèo có kết cấu kiểu chồng giá chiêng, trên đầu hai cột cái được nối với nhau bằng một câu đầu. Đặt lên câu đầu là 2 cột đỡ trên là cái nóc nối liên hoàn với nhau; từ đầu cột cái đến đầu cột quân có kẻ nối; từ đầu cột quân vươn ra là các bẩy, có chiều dài là: 1,20m để đỡ đầu các thanh đòn tay mái đua hiên; trên các vì kèo bắc ngang tạo thành vì kèo liên hoàn chắc chắn; các vì kèo nối với nhau bằng các xà dọc, ngang, xà hạ, thượng chạy theo 4 hàng cột chính để hình thành 1 bộ khung vững chắc.
Để làm 2 mái của gian chái, các xà dọc nối cột chái với nhau. Từ cột cái ở vì ngoài có xà ngang to châm vào cột cái, đường kính: 0,30m, dài: 3,50m một bên đặt vào đầu cột chái thẳng với hàng cột cái (thường gọi là quá giang), đặt trên quá giang là cột ngồi (cột lửng); từ đầu cột lửng đặt kẻ góc thẳng đến cột góc, trên kẻ góc đặt hoành trải rui, ốp mè tạo thành mái chái. Khi bộ khung đã dựng hoàn chỉnh, bắc các đòn tay bằng gỗ, trải rui mè rồi lợp lá cọ.
Thượng cung nằm về phía sau của 3 gian chính, lát ván, cao: 3m. Thượng cung chia làm 2 phần: phần dùng bày đồ cúng tế trong những ngày lễ, phần còn lại phía trong (gian giữa) là vọng cung dùng để cất các vật dụng và đồ tế khí; phía trên cửa vọng cung ốp vào xà ngang một tấm ván dài bằng xà thượng, trên ghi 4 chữ Hán to đậm bằng mực đen tàu "thánh cung vạn tuế". Hai đầu của sàn thượng cung được đặt mỗi bên 1 chiếc thang gỗ để lên xuống trong lúc hành lễ.
Phần sàn đình: Cao 0,80m, sàn vừa là nơi để hội họp, sinh hoạt, nghỉ ngơi, vừa là để kết cấu phần khung đoạn dưới chân cột cho chắc chắn. Sàn được làm hết 2 gian rộng ở 2 bên gian chái, mặt sàn lát bằng ván, xung quanh 3 phía có lan can, cao: 0,05m.
Giá trị mỹ thuật
Mỹ thuật trang trí trên các cấu kiện gỗ đơn giản và hoa văn trang trí trên các di vật đơn giản. Đình Hồng Thái cũng như các ngôi đình ở miền núi thường không có trạm trổ diễn tả cuộc sống sinh hoạt của người và vật mà chỉ trạm trổ các con trong bộ tứ linh (long, ly, quy, phượng). Ở mặt dưới câu đầu bắp quả các đầu dư đều vẽ chữ Thọ. Nhìn chung đình Hồng Thái trang trí đơn giản và mộc mạc.
Về trang trí nội thất đơn giản nhưng thoáng đãng. Ở gian giữa trước sàn đặt bàn thờ, trên bàn thờ để long gia; xung quanh bàn thờ trạm trổ long, ly, quy, phụng, hổ phù sơn son thiếp vàng (thường gọi là nhang án). Trên 4 cột vuông có các câu đối được trạm trổ, bôi sơn hướng ra phía trước rất dễ nhận biết.
Với những giá trị vốn có hiện còn của di tích đình Hồng Thái, được xếp vào loại kiến trúc tôn giáo thuộc loại hình di tích kiến trúc - nghệ thuật, đồng thời cũng là di tích ghi dấu hoạt động cách mạng, kháng chiến thuộc loại hình di tích lịch sử./.
ST