Từ bao đời nay, ẩm thực ngày tết luôn là một đặc trưng tiêu biểu cho bản sắc văn hóa của mỗi vùng miền. Không cầu kỳ như lối ẩm thực miền Nam; cũng không đa dạng như ẩm thực miền Trung, nhưng ẩm thực miền Bắc lại có sự hài hòa và vô cùng tinh tế trong cả hương vị lẫn hình thức, góp phần đem đến những dư vị đặc biệt trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Nét tinh tế và hài hòa trong ẩm thực tết Bắc bộ
Không chỉ là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam, Tết Nguyên đán còn là thời khắc để mỗi gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau ôn lại những kỷ niệm trong một năm đã qua. Chính bởi vậy, mọi thứ trong dịp này cũng được chuẩn bị cầu kỳ và tươm tất hơn, đặc biệt là những phong tục lễ nghi hay những mâm cỗ, món ăn ngày Tết.
Ẩm thực miền Bắc được sáng tạo, hình thành trong suốt một hành trình dài của lịch sử và được lưu truyền trên khắp mọi miền đất nước. Mâm cỗ ngày tết của người miền Bắc cũng rất phong phú, thể hiện mong muốn cho một năm mới no ấm, sung túc với nhiều món ăn truyền thống đậm đà hương vị.
Đúng như tính cách của người dân nơi đây, hương vị trong món ăn tết của người Bắc cũng thể hiện một sự tinh tế và hài hòa vốn có. Các món được nêm nếm rất vừa vặn, không quá ngọt cũng không bị quá cay. Mọi thứ đều đem đến một sự vừa đủ, tạo sự gần gũi và bất cứ ai cũng có thể thưởng thức.
Nói đến ẩm thực tết Bắc thì có lẽ không thể không nhắc tới tinh hoa ẩm thực tết của người dân Hà Nội. Là mảnh đất ngàn năm văn hiến, quy tụ những nét văn hóa độc đáo, được lưu truyền từ đời này sang đời khác nên văn hóa ẩm thực của người Hà Nội cũng rất cầu kỳ và công phu, gắn với nét thanh lịch, tao nhã, khéo léo của người phụ nữ. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến cho đến thưởng thức đều thể hiện sự cầu kì và đằng sau đó sẽ ẩn chứa những ý nghĩa to lớn về văn hóa ứng xử, văn hóa sống của người Hà Nội.
Ở các địa phương khác trong miền, mâm cỗ tết cũng có sự đa dạng qua cách kết hợp hài hòa giữa những món nước, món khô, giữa rau, củ và thịt.
Các món ăn với nhiều màu sắc và hương vị không chỉ tạo nên bức tranh đầy màu sắc cho những ngày tết xuân mà còn tượng trưng cho sự đủ đầy và ấm no, là lời chúc cho một năm mới đầm ấm và hạnh phúc.
Các món ăn đặc trưng
Nói đến ẩm thực của người dân Bắc bộ thì bánh chưng có thể coi là linh hồn của những ngày tết. Bánh chưng tượng trưng cho đất trời, gắn liền với truyền thuyết dân tộc lâu đời và mang nhiều ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Từ bao đời nay, bánh chưng luôn là món ăn gắn liền với dịp lễ, tết ở mỗi gia đình người Việt.
Bánh chưng được làm một cách cầu kì. Từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho đến khâu gói bánh đều thể hiện sự tỉ mỉ, cẩn thận của người làm bánh. Nguyên liệu bánh chưng gồm có: gạo nếp, thịt ba chỉ, đỗ xanh, gia vị. Phần nhân thịt béo ngậy cùng lớp đậu xanh bùi bùi được bao quanh bởi phần gạo nếp dẻo thơm. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một hương vị đặc trưng, vừa thơm dẻo, vừa bổ dưỡng.
Cùng với bánh chưng, thịt đông cũng là món ăn đặc biệt thường xuất hiện trong các bữa ăn những ngày cuối năm của người dân Bắc bộ. Món này được làm từ thịt lợn ba chỉ hoặc phần thịt có nhiều bì, mộc nhĩ được ninh nhừ. Trong cái se se lạnh của ngày tết, thịt đông ăn với bánh trưng, kèm thêm vài miếng dưa hành sẽ là món ăn rất được yêu thích trong mọi nhà.
Trong mâm cỗ ngày Tết, ngoài những món thông thường như: bánh chưng, xôi gấc, giò xào, thịt gà, thịt đông, nem rán…còn có những đặc sản dành riêng cho ngày Tết. Giò thì có: giò nụ, giò hoa. Chả thì có chả quế, chả chìa,…Canh thì có canh bóng thập cẩm, canh măng chân giò,…
Bên cạnh các món ăn chính, còn có rất nhiều các món ăn kèm để tăng thêm hương vị; đồng thời, giảm độ “ngán” cho các món ăn như: dưa góp, dưa hành, dưa muối xổi; nộm rau củ,…
Sự kết hợp độc đáo giữa các món ăn cùng sự hòa hợp trong màu sắc không chỉ đem đến những hương vị thơm ngon trong mâm cỗ ngày tết của người dân miền Bắc mà còn thể hiện sự khéo léo, tề gia nội trợ của người phụ nữ.
Ẩm thực tết miền Bắc với những nét độc đáo riêng biệt đã tạo nên dấu ấn riêng, trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân nơi đây trong những ngày tết vui sum vầy./.
ST